Bệnh gai đen là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh gai đen là một tình trạng ngoài da thường gặp ở những người mắc đái tháo đường hoặc béo phì. Bệnh không chỉ có khả năng gây mất thẩm mỹ bên ngoài mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại khác, điển hình như ung thư. Vậy nguyên nhân gây ra vấn đề này là gì? Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị ra sao? Tất cả sẽ lần lượt được giải đáp trong bài viết sau.

Gai đen là bệnh gì?

Gai đen là tình trạng trên da xuất hiện những mảng sẫm màu hơn bình thường, thường là nâu nhạt hoặc đen thẫm. Chúng tập trung chủ yếu ở các vị trí nếp gấp trên cơ thể người bệnh, ví dụ như nách, bẹn, bầu ngực và cổ.

Theo các bác sĩ, hiện tượng này xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân đái tháo đường hoặc người thừa cân béo phì. Đối với trẻ em mắc phải gai đen, nguy cơ tiểu đường ở giai đoạn type 2 xuất hiện thường gia tăng nhiều hơn so với trẻ khỏe mạnh. Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân chủ quan, không để ý khi trên da có các mảng tối màu bất thường từ gai đen. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư nội tạng, ví dụ như ung thư gan, đại tràng hoặc bao tử.

Bệnh gai đen

Nguyên nhân bệnh gai đen

Bệnh gai đen có thể liên quan đến các yếu tố sau:

  • Cơ thể đề kháng chất insulin: Insulin là một loại hormone có khả năng hấp thụ đường từ máu để nuôi dưỡng tế bào. Tuy nhiên, nếu cơ thể đề kháng với insulin và tìm cách “tiêu diệt” chúng thông qua kháng thể, con người dễ gặp phải bệnh gai đen. Không những vậy, vấn đề này cũng làm gia tăng nguy cơ của đái tháo đường loại 2.
  • Nội tiết tố bị rối loạn: Nội tiết tố bên trong cơ thể bị rối loạn cũng là một nguyên nhân thường thấy của bệnh gai đen. Tình trạng các hormone nội tiết thay đổi có thể liên quan đến một số vấn đề sức khỏe khác như u nang buồng trứng, bệnh thận, tuyến giáp suy giảm chức năng,…
  • Tác dụng phụ của thuốc: Có một số trường hợp mắc phải gai đen do tác dụng của một số loại thuốc tránh thai, thuốc chống viêm dạng tiêm tĩnh mạch, vitamin B3 liều cao,…
  • Bệnh lý ung thư: Nguyên nhân này chiếm tỷ lệ thấp hơn cả so với những yếu tố tác động nêu trên nhưng lại tiềm ẩn mối nguy cao nhất. Theo các chuyên gia, tình trạng xuất hiện mảng da đậm màu bất thường có khả năng liên quan đến ung thư bao tử, ung thư đại tràng hoặc ung thư gan.

Ngoài ra, khi bị tiểu đường, người bệnh có nguy cơ bị nhiễm toan ceton. Để hiểu hơn về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, cùng tìm hiểu qua: Nhiễm toan ceton là gì? Triệu chứng nhận biết và cách điều trị

Triệu chứng bệnh gai đen

Người bệnh bị chứng gai đen hầu hết không xuất hiện triệu chứng nào khác bên cạnh việc trên da có các mảng sẫm màu bất thường.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể cảm thấy bị ngứa ngáy khó chịu ở vùng da đậm màu. Chính vì vậy, ngay khi nhận thấy triệu chứng này, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị.

Triệu chứng bệnh gai đen

Dấu hiệu gai đen trong hội chứng kháng insulin

Bệnh không có biểu hiện triệu chứng tiềm ẩn, khi mắc gai đen trong hội chứng kháng insulin người bệnh sẽ có các dấu hiệu sau:

  • Màu da bị đậm hơn so với vùng da khác, có khi chuyển hẳn thành màu đen
  • Vùng da đậm màu hơn dàu hơn bình thường
  • Khi bệnh nặng, vùng da bị gai đen được ví mượt như nhung
  • Vị trí xuất hiện ở cổ, gáy, háng, nách và những vị trí mà có nếp gấp khác
  • Có thể bị ngứa ngáy và có mùi

Chẩn đoán bệnh gai đen

Bệnh gai đen có thể được chẩn đoán dựa vào các biện pháp sau:

  • Khám bên ngoài: Phần lớn các trường hợp bệnh nhân đều được xác định nhờ vào dấu hiệu đặc trưng ngoài da. Các bác sĩ cũng có thể hỏi thêm người bệnh một số vấn đề như thời gian triệu chứng xuất hiện, tiền sử bệnh lý,…
  • Sinh thiết mẫu da: Nếu các bác sĩ nghi ngờ tình trạng da có mảng đậm bất thường liên quan đến ung thư, họ có thể tiến hành sinh thiết tế bào da. Trường hợp này thường hiếm khi xảy ra nhưng việc xét nghiệm là cần thiết để loại bỏ nguy cơ gây hại cho cơ thể.
  • Các xét nghiệm khác: Nếu nguyên nhân gây ra tình trạng gai đen không rõ ràng, bệnh nhân cần tiền hành thêm một số các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, chụp chiếu X-quang,… để chẩn đoán chính xác nhất và có biện pháp điều trị hiệu quả.

Điều trị bệnh gai đen

Việc điều trị bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra, vì vậy người bệnh cần được chẩn đoán đúng cũng như tuân thủ theo hướng dẫn từ bác sĩ.

  • Đối với nguyên nhân do béo phì và kháng insulin: Đối với những vấn đề này, người bệnh có thể cải thiện bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học và lành mạnh. Duy trì cân nặng hợp lý thông qua luyện tập thể thao cũng là một biện pháp mang lại hiệu quả tích cực.
  • Đối với nguyên nhân do thuốc điều trị: Người bệnh tốt nhất là nên ngưng sử dụng những sản phẩm này trong một khoảng thời gian và theo dõi tình trạng sức khỏe của da. Nếu không nhận thấy sự cải thiện rõ rệt, bệnh nhân cần đi khám lại tại bệnh viện và trao đổi thêm với bác sĩ điều trị.
  • Đối với nguyên nhân liên quan đến ung thư: Nếu bệnh gai đen liên quan đến ung thư, các bác sĩ có thể khuyến nghị một trong các biện pháp trị liệu như phẫu thuật cắt bỏ khối u, dùng thuốc và xạ trị. Các biện pháp này được áp dụng tùy theo tình trạng sức khỏe hiện tại và mức độ phát triển của khối u bên trong cơ quan nội tạng.

Điều trị bệnh gai đen

Nếu vùng da sẫm màu của người bệnh xuất hiện thêm các dấu hiệu như có mùi hôi khó chịu, ngứa ngáy,… thì có thể áp dụng thêm các biện pháp sau:

  • Các loại kem dưỡng da thành phần thiên nhiên: Những loại kem này giúp cấp ẩm cho da, làm sáng và làm mờ vết thâm mất thẩm mỹ trên làn da của người bệnh. Tùy theo cơ địa mà người bệnh có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với làn da.
  • Thuốc kháng sinh: Nếu bệnh nhân ngứa ngáy và gãi làm trầy xước ngoài da, nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm khuẩn có thể tăng cao. Trong những trường hợp này, người bệnh có thể sử dụng thêm một số loại thuốc kháng sinh như amoxicillin.

Phòng ngừa bệnh gai đen

Để phòng ngừa bệnh gai đen, mọi người cần:

  • Duy trì thể trọng cơ thể phù hợp bằng cách ăn uống điều độ, tăng cường rau xanh trong bữa ăn và tích cực luyện tập thể dục thể thao.
  • Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho làn da bằng các loại sữa tắm và xà phòng diệt khuẩn. Mọi người cũng cần sử dụng thêm các loại kem dưỡng ngoài để đảm bảo da luôn đủ độ ẩm cần thiết.
  • Đi khám sức khỏe định kỳ, điều này giúp phát hiện sớm các nguy cơ bệnh lý ung thư, tiểu đường,….

Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn đọc các kiến thức hữu dụng liên quan đến bệnh gai đen. Do vấn đề sức khỏe cũng như cơ địa, bạn không nên tự ý điều trị bệnh tại nhà mà nên đến khám tại bệnh viện và tuân thủ đúng theo phác đồ từ bác sĩ chuyên khoa.

>> Xem thêm: HDL-Cholesterol là gì? Chỉ số HDL-Cholesterol bình thường, cao và thấp

Bài viết được chỉnh sửa ngày 18 Tháng Tư, 2021

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *