Bệnh rễ thần kinh cổ là gì? Triệu chứng và phải làm sao?

Bệnh lý rễ thần kinh cổ không phải là căn bệnh hiếm gặp và đang có xu hướng gia tăng về tỷ lệ mắc trong những năm trở lại đây. Bệnh gây ra tình trạng đau mỏi cánh tay, vai gáy, nghiêm trọng hơn có thể teo cơ và mất khả năng vận động. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về căn bệnh này qua bài viết sau đây.

Bệnh rễ thần kinh cổ là gì?

Để hiểu về bệnh rễ thần kinh cổ, trước tiên hãy tìm hiểu một chút về hệ thần kinh ngoại biên. Cấu tạo nên hệ thần kinh này là 31 đôi dây thần kinh của tuỷ sống. Rễ thần kinh cổ chính là 8 đôi dây từ đốt C1 đến đốt C8, chúng thoát ra hai bên phải và trái qua lỗ gian đốt giữa các đốt sống cổ, riêng rễ thần kinh C8 là thoát ra qua lỗ giữa đốt C7 và đốt sống ngực 1. Các rễ thần kinh này chi phối cảm giác và vận động vùng cánh tay, vai và cổ.

Bệnh rễ thần kinh cổ xảy ra khi có sự tổn thương tại một hoặc nhiều rễ thần kinh cổ. Bệnh lý này gây ra tình trạng rối loạn vận động và cảm giác tại khu vực bị rễ thần kinh có thương tổn chi phối.

Bệnh rễ thần kinh cổ

Nguyên nhân bệnh rễ thần kinh cổ

Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh rễ thần kinh cổ. Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng rách bao xơ đĩa đệm khiến cho khối nhân nhầy phía trong thoát ra ngoài, đè ép rễ thần kinh dẫn đến bệnh. Trong nhiều trường hợp, thoát vị đĩa đệm không có biểu hiện rõ ràng nếu tình trạng đè ép tuỷ sống hoặc rễ thần kinh không xảy ra.

Bệnh nhân có thể gặp tình trạng thoát vị đĩa đệm cổ do nguyên nhân tự phát, liên quan tới tính chất công việc phải ngồi lâu một tư thế, đứng nhiều, béo phì, ít vận động,… hoặc do hệ quả của chấn thương gián tiếp hoặc trực tiếp dẫn đến thoát vị đĩa đệm.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể mắc thoát vị do một số yếu tố khác như:

  • Lao cột sống
  • Khối u tại cột sống
  • Lão hoá tự nhiên khiến lỗ gian đốt hẹp lại và rễ thần kinh bị đè ép.

Một số trường hợp mắc bệnh rễ thần kinh cổ do ung thư và cột sống mất tính ổn định. Ở người trẻ tuổi, bệnh thường xảy ra do thương tổn cấp tính hoặc thoát vị đĩa đệm. Ở nhóm người già, bệnh thường khởi phát do quá trình lão hoá tự nhiên.

Triệu chứng bệnh rễ thần kinh cổ

Triệu chứng bệnh có thể mạn tính hoặc cấp tính tùy thuộc vào rễ thần kinh bị chèn ép nhiều hay ít, nặng hay nhẹ. Phần lớn bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng bệnh ở một bên người, do rễ thần kinh phải hoặc trái bị đè ép, tuy nhiên cũng có những trường hợp biểu hiện ở cả hai bên.

Triệu chứng bệnh rễ thần kinh cổ

Một số triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Đau cổ: Cơn đau thường xảy ra khi bệnh nhân cúi cổ hoặc ngửa cổ. Động tác xoay qua trái hoặc phải cũng khiến cơn đau tăng lên. Nhiều khi cơn đau dữ dội đến mức người bệnh không thể nằm được.
  • Đau vai gáy lan ra cánh tay rồi đến cẳng tay, xuống cả bàn tay và tới tận các ngón tay: Cơn đau lan dần theo đường đi của dây thần kinh bị đè ép. Người bệnh có thể cảm nhận rõ cơn đau đặc thù này và vẽ theo hướng lan của cơn đau (dải cảm giác mà dây thần kinh bị thương tổn chi phối).
  • Mỏi cổ: Đây cũng là một dấu hiệu khiến người bệnh than phiền mà chúng ta không nên xem nhẹ nếu gặp phải.
  • Tê bì khu vực bị chi phối bởi dây thần kinh có thương tổn: Cảm giác tê bì xuất hiện ở cả ngón tay cái, ngón ba hoặc ngón năm.
  • Yếu cơ, cơ teo nhanh: Cơ nhị đầu, cơ tam đầu hoặc các cơ ở kẽ bàn tay bị yếu và teo dần đi.
  • Đau đầu chóng mặt: Người bệnh có biểu hiện đau vùng chẩm và chóng mặt, đặc biệt là khi đổi tư thế đột ngột.
  • Rối loạn cảm giác: Bệnh nhân có thể thấy nóng, lạnh bất thường, cảm giác nóng rát khu vực bị chi phối bởi thần kinh bị tổn thương.

Chèn ép rễ thần kinh cổ phải làm sao?

Khi nhận thấy bản thân có các triệu chứng của bệnh, bạn cần đến cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân bệnh, mức độ bệnh và loại trừ các bệnh lý ác tính khác.

Sau khi thăm khám và chẩn đoán, cùng với tình trạng bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp trị liệu phù hợp nhất

Điều trị bảo tồn

Thông thường, các biện pháp trị liệu bảo tồn sẽ được ưu tiên áp dụng, những biện pháp này gồm có:

  • Điều trị bằng thuốc: Thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc tăng khả năng dẫn truyền xung thần kinh. Trường hợp đau nhiều, bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc giảm đau thần kinh.
  • Vật lý trị liệu: Đây là phương pháp trị liệu bằng nhiệt, siêu âm, kéo giãn cột sống cổ với trường hợp bệnh do thoát vị gây ra, vận động trị liệu giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, ngăn ngừa teo cơ.

Chèn ép rễ thần kinh cổ phải làm sao

Phẫu thuật bệnh rễ thần kinh cổ

Biện pháp phẫu thuật được áp dụng với trường hợp bệnh nặng (teo cơ nhiều, liệt vận động, đau dữ dội) do tình trạng thoát vị gây nên và điều trị bảo tồn không có hiệu quả hoặc các trường hợp bệnh do khối u trong giai đoạn còn có thể phẫu thuật cắt bỏ.

Phòng ngừa bệnh rễ thần kinh cổ tái phát

Bên cạnh đó, để hạn chế bệnh tái phát, bạn cũng nên chú ý một số vấn đề sau:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường hoa quả và rau xanh. Giữ trọng lượng cơ thể ở mức vừa phải, giảm cân nếu có hiện tượng thừa cân/béo phì.
  • Thường xuyên thay đổi tư thế, không ngồi một chỗ hoặc làm việc quá lâu trong một tư thế.
  • Luyện tập thường xuyên để tăng cường sức mạnh cho cơ  ở vùng cổ theo sự chỉ dẫn của bác sỹ, chuyên gia hoặc nhân viên y tế. Tránh tập luyện không đúng tư thế, tập quá sức sẽ làm bệnh nặng thêm.
  • Hạn chế các động tác ngửa, cúi, xoay cổ quá mức.

Chúng ta không nên chủ quan khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh rễ thần kinh cổ. Khi phát hiện bất cứ triệu chứng nào, dù nhỏ cũng nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cụ thể. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tập luyện thể dục thường xuyên, nhất là các cơ vùng cổ để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Bài viết được chỉnh sửa ngày 12 Tháng Tư, 2021

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *