Bệnh tiểu đường là tình trạng gây ảnh hưởng đến hàm lượng đường huyết của cơ thể, khiến người bệnh gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu kéo dài dai dẳng. Nguyên nhân nào dẫn đến vấn đề này? Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra là gì? Bạn đọc hãy cùng dành thời gian tìm hiểu thông qua những thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây!
Nội dung chính:
Bệnh tiểu đường là gì?
Tiểu đường, hay còn được biết đến với tên gọi đái tháo đường, xảy ra khi lượng đường (glucose) trong máu của con người gia tăng cao hơn bình thường. Glucose vốn đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe khi nó cung cấp năng lượng cho hoạt động của mô tế bào cũng như thần kinh não bộ. Tuy nhiên, khi hàm lượng glucose vượt quá mức giới hạn, cơ thể sẽ phải đối mặt với những rối loạn nghiêm trọng.
Tiêu đường có thể xảy ra ở cả nam và nữ, bao gồm cả lứa tuổi thanh thiếu niên, trường thành và cao tuổi. Các chuyên gia chia bệnh lý này thành hai dạng chính là:
- Tiểu đường mãn tính: Tình trạng mãn tính còn được xếp thành tiểu đường tuýp 1, 2 và 3. Đối với người bệnh trong trường hợp này, không có bất kỳ biện pháp điều trị dứt điểm nào. Thay vào đó, bệnh nhân phải nhờ cậy đến sự giúp đỡ của các loại thuốc khác nhau để duy trì mức đường huyết ổn định.
- Tiểu đường thai kỳ: Tình trạng tiểu đường trong thời gian mang thai khác với dạng mãn tính là có thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Vấn đề này thường liên quan mật thiết đến những thay đổi của cơ thể người mẹ khi đang có bầu. Thường thì đái tháo đường do mang thai sẽ chấm dứt sau khi sinh con.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân cũng có thể gặp phải dạng tiền đái tháo đường (prediabetes). Các bác sĩ nhận định tình trạng này xảy ra khi lượng đường trong máu người bệnh cao hơn thông thường nhưng lại không đủ để xếp vào dạng mãn tính nói trên. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời và thích hợp, tiền đái tháo đường rất dễ có khả năng tiền triển thành tiểu đường tuýp 1, 2 hoặc 3.
Triệu chứng của bệnh tiểu đường
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường còn phụ thuộc vào việc lượng đường trong máu tăng lên bao nhiêu cũng như dạng đái tháo đường mà người bệnh đang gặp phải.
Theo các chuyên gia, có đôi khi tiền đái tháo đường và loại tuýp 2 phát triển một cách thầm lặng mà không gây ra bất kỳ dấu hiệu bất thường bên ngoài nào. Trái ngược với điều này là tiểu đường loại 1 khi các triệu chứng có xu hướng phát triển nặng và nhanh chóng hơn.
Dưới đây là các triệu chứng thường gặp với một số dạng tiểu đường khác nhau:
Tiểu đường tuýp 1
Tiểu đường tuýp 1 là tình trạng cơ thể không thể sản xuất được insulin. Dạng bệnh này thường chiếm khoảng 5 đến 10% số ca bệnh đái tháo đường. Bệnh thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên với các triệu chứng điển hình sau đây:
- Luôn có cảm giác đói bụng cồn cào kèm theo đó là những cơn khát với mức độ tăng dần theo thời gian.
- Thường xuyên cảm thấy muốn đi tiểu tiện và đi tiểu tiện với tần suất cao bất thường.
- Cân nặng sụt giảm nhanh và không rõ nguyên do.
- Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ và tầm nhìn không rõ.
- Tâm trạng không ổn định, cảm xúc của người bệnh thay đổi nhanh chóng và thường xuyên.
Tiểu đường tuýp 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2 được định nghĩa là trường hợp cơ thể không thể sử dụng được insulin đã sản xuất ra, từ đó không giữ được hàm lượng đường trong máu ở mức ổn định. Dạng bệnh này chiếm tỷ lệ cao hơn tuýp 1 với chỉ số khoảng 90 đến 95% số ca bệnh. Bệnh xảy ra chủ yếu ở người trưởng thành nhưng đang có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây.
Người bệnh có thể sẽ gặp phải một số các triệu chứng sau đây:
- Cơ thể cảm nhận được cơn đói, cơn khát một cách thường xuyên với mức độ cao hơn bình thường.
- Số lần đi tiểu tiện tăng cao, lượng nước tiểu mỗi lần không nhiều.
- Thường cảm thấy mờ mắt kèm theo đó là tình trạng thể chất suy giảm, mệt mỏi kéo dài.
- Nếu ngoài da xuất hiện các vết thương hở thì tốc độ chữa lành của cơ thể chậm hơn. Người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng nhiễm trùng tái phát.
Tiểu đường tuýp 3
Tiểu đường loại 3 xảy ra khi quá trình sản xuất insulin trong cơ thể bị đình trệ do tổn thương não bộ cũng như rối loạn chức năng tuyến tụy. Nói một cách đơn giản hơn, đây được xem là tình trạng tiến triển nặng hơn của tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2. Theo các bác sĩ, người bệnh lúc này thường gặp phải một số các triệu chứng như sau:
- Cơ thể cảm thấy bứt rứt, khó chịu và mệt mỏi trong một thời gian dài. Tình trạng này không thể cải thiện dù người bệnh đã dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
- Ăn uống không ngon, miệng nhạt, thậm chí là không còn cảm giác thèm ăn.
- Sụt cân một cách nhanh chóng. Vết thương khó liền hơn bình thường.
- Trí nhớ của bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng, thường xuyên trong tình trạng lú lẫn và mơ hồ.
Lưu ý: Các dạng tiểu đường tuýp 1, 2 hoặc 3 thường gây ra triệu chứng rõ ràng hơn đái tháo đường trong thời kỳ mang thai. Theo các bác sĩ, thường thì các mẹ bầu không nhận thấy những thay đổi về vấn đề đường huyết được thể hiện ra bên ngoài. Bệnh nhân thường chỉ phát hiện khi đi khám thai định kỳ ở tuần thứ 24 hoặc 28 của thai nhi.
Tuy nhiên vẫn tồn tại một số ít trường hợp trong đó thai phụ cảm thấy thường xuyên khát nước hay đi tiểu tiện với tần suất nhiều hơn, Nhưng những triệu chứng này vẫn dễ khiến người bệnh nhầm lẫn với một số tình trạng sức khỏe khác.
Nguyên nhân bệnh tiểu đường
Để hiểu rõ về cơ chế hình thành nên bệnh tiểu đường, người bệnh trước tiên cần phải nắm được những kiến thức liên quan khác, đó là hormone insulin và đường huyết.
Mối quan hệ của insulin và glucose trong máu
Insulin là một loại hormone được tuyến tụy sản xuất ra, sau đó được đưa đến đường máu để giúp glucose có thể đi vào tế bào và nuôi dưỡng chúng. Nói cách khác, insulin làm giảm lượng đường trong máu đồng thời khi glucose giảm đi thì insulin tiết ra cũng được giảm xuống.
Trong khi đó, glucose là một loại đường hóa học với nguồn cung cấp chính là từ thực phẩm và lá gan. Glucose sau khi đi vào đường máu, dưới sự trợ giúp của insulin sẽ đi đến tế bào, cung cấp năng lượng cần thiết cho sự hoạt động của cơ thể. Nếu lượng đường huyết thấp hơn bình thường, lá gan có nhiệm vụ phân hủy glycogen dự trữ thành glucose để giữ cho cơ thể nguồn năng lượng duy trì.
Từ mối quan hệ giữa insulin cũng như đường huyết kế trên, nguyên nhân gây ra các dạng bệnh tiểu đường được nghiên cứu và tổng hợp như sau:
Tiểu đường tuýp 1
Đối với tiểu đường loại 1, các chuyên gia hiện nay đang nghiêng về giả thiết rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch. Theo đó, hệ thống miễn dịch vốn có nhiệm vụ tiêu diệt virus hoặc vi khuẩn gây hại xâm nhập “bất hợp pháp” vào trong cơ thể lại tấn công những tế bào sản xuất insulin bên trong tuyến tụy. Hậu quả là cơ thể không thể có đủ lượng insulin cần thiết hay thậm chí là không có một chút hormone insulin nào. Từ đó dẫn đến việc đường tích tụ lại bên trong đường máu.
Nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng miễn dịch vẫn chưa được khoa học tìm ra. Các nhà khoa học cho rằng điều này liên quan đến một số các yếu tố như:
- Di truyền trong gia đình: Nguy cơ mắc phải đái tháo đường tuýp 1 của người bệnh thường cao hơn nếu trong gia đình có trường hợp đã bị từ trước, nhất là nếu người đó có mối quan hệ cận huyết như ông bà, bố mẹ, chị em,…
- Các loại virus, vi khuẩn: Nếu người bệnh nhiễm phải một số loại virus, vi khuẩn gây hại có khả năng tác động lên hệ miễn dịch và khiến chức năng của nó rối loạn thì cũng có nguy cơ mắc phải tiểu đường tuýp 1. Tuy nhiên, trường hợp này thường chiếm tỷ lệ không cao.
- Sự xuất hiện của các tế bào tự kháng thể: Các tế bào tự kháng thể này có thể xuất hiện ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Chúng có khả năng tấn công và tiêu diệt hormone insulin, khiến cơ thể không thể sản xuất được insulin nữa.
Tiểu đường tuýp 2
Nguyên nhân của tiểu đường tuýp 2 được các bác sĩ nhận định là do tế bào của cơ thể đề kháng lại với sự hiện diện của insulin cũng như hoạt động của tuyến tụy. Hậu quả cho vấn đề này chính là đường trong máu không thể được hấp thụ, dẫn đến sự dư thừa quá mức.
Có một số yếu tố tác động khiến sự đề kháng của tế bào tăng lên, nổi bật trong đó là:
- Béo phì, cân nặng dư thừa: Những người béo phì hay có cân nặng dư thừa được coi là có nguy cơ bị tiểu đường loại 2 cao hơn bình thường. Các chuyên gia cho rằng bời vì mô mỡ tích tụ trên đường máu khiến hoạt động của insulin kém hiệu quả hơn.
- Thói quen lười vận động: Lười vận động có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau và tiểu đường là một trong số đó. Lý do là vì những hoạt động thể chất giúp cơ thể tiêu hao được lượng glucose cần thiết cung cấp cho tế bào, đảm bảo quá trình trao đổi chất và giúp cân nặng duy trì ở mức hợp lý.
- Tiền sử bệnh lý trong gia đình: Nếu người thân như cha mẹ, ông bà,… từng bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, nguy cơ thường gia tăng hơn ở thể hệ sau. Điều này liên quan mật thiết đến sự sao chép tế bào và hoạt động của DNA.
- Sự lão hóa: Có không ít trường hợp ngoài 40, 50 phát hiện bản thân mắc bệnh đái tháo đường. Khi cơ thể bước vào giai đoạn lão hóa, chức năng của các bộ phận, trong đó có cả tuyến tụy và gan dần suy giảm đi. Bên cạnh đóm người lớn tuổi cũng có xu hướng ít vận động hơn bình thường, khiến cho nguy cơ mắc bệnh táng cao.
- Các bệnh lý nền: Nếu cơ thể vốn đang phải đối mặt với các tình trạng sức khỏe như hội chứng buồng trứng đa năng, mỡ máu, hàm lượng cholesterol xấu cao bất thường, huyết áp cao,… nguy cơ mắc phải tiểu đường sẽ gia tăng. Nguyên nhân là vì những vấn đề này thường gây ảnh hưởng đến đường máu cũng như sự trao đổi chất của đường máu với cơ thể.
Đái tháo đường trong khi mang thai
Nguyên nhân gây ra tiểu đường trong thời gian thai kỳ được xác định là do nhau thai sản sinh ra một số loại hormone nhằm duy trì thai nhi nhưng lại gây ảnh hưởng đến insulin.
Trong trường hợp bình thường, tuyến tụy của người mẹ sẽ gia tăng sản xuất insulin đề bù đắp lại sự thiếu hụt. Tuy nhiên, nếu tuyến tụy gặp rối loạn và không thể làm việc, tình trạng dư thừa đường trong máu sẽ xảy ra.
Dưới đây là một số yếu tố gây ảnh hưởng đến chức năng tuyến tụy của người mẹ thường gặp nhất:
- Tuổi tác: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ trên 25 tuổi khi mang thai có tỷ lệ mắc phải tiểu đường cao hơn.
- Tiền sử bệnh lý của bản thân hoặc gia đình: Nếu người nhà từng bị tiểu đường loại 2, tiền đái tháo đường hoặc bản thân thai phụ đã mắc phải tiền đái tháo đường trước đó thì nguy cơ bị bệnh càng gia tăng hơn. Các chuyên gia cũng cho rằng nếu người mẹ đã bị tiểu đường thai kỳ một lần, lần sinh sau tỷ lệ sinh non, thai chết non cũng dễ có khả năng hơn.
- Cân nặng: Khi mang thai, cân nặng gia tăng nhanh chóng và vượt qua sự kiểm soát có thể xảy ra. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ bệnh tiểu đường thai sản đối với người mẹ.
Biến chứng của tiểu đường
Do tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 và tuýp 3 đều thuộc dạng mãn tính nên nguy cơ biến chứng của chúng thường cao hơn tiểu đường trong thai kỳ, đặc biệt với trường hợp không được chẩn đoán và điều trị sớm. Không những vậy. theo các chuyên gia, người bệnh bị tiểu đường lâu năm thì khả năng xảy ra biến chứng cũng cao hơn.
Các biến chứng có thể gặp ở người bệnh đái tháo đường mãn tính thường bao gồm:
- Bệnh lý liên quan đến hệ thống tim mạch: Nhiều nghiên cứu khoa học đã tìm thấy mối liên hệ mật thiết giữa tiểu đường và các vấn đề tim mạch khác nhau. Ví dụ: Bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, đau tim, đột quỵ,… Đây đều là những biến chứng rất nguy hiểm bời nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong.
- Dây thần kinh bị tổn thương: Hàm lượng đường dư thừa trong máu có thể gây ảnh hưởng đến thành mao mạch – những mạch máu nhỏ làm nhiệm vụ nuôi dưỡng dây thần kinh. Hậu quả là các dây thần kinh này bị tổn hại, khiến người bệnh gặp phải một số vấn đề như tê ngứa, đau nhức, nóng rát ở các đầu ngón tay, ngón chân. Cảm giác khó chịu này sau đó có thể lan rộng đến bàn tay và bàn chân. Thậm chí nghiêm trọng hơn, cảm giác ở tứ chi sẽ mất đi hoàn toàn, dẫn đến hiện tượng tê liệt vĩnh viễn.
- Thận hư yếu: Thận vốn làm nhiệm vụ lọc máu nên là cơ quan rất dễ bị ảnh hưởng bởi lượng đường dư thừa có trong máu. Theo đó, bệnh tiểu đường có khả năng phá hủy cầu thận, khiến chức năng thận suy giảm dần dần. Nếu tình trạng này tiến triển nặng, người bệnh có thể bị suy thận hoàn toàn và phải nhờ đến sự trợ giúp của thận nhân tạo để lọc máu.
- Mắt bị tổn thương: Bên trong võng mạc cũng có rất nhiều mao mạch. Vì vậy khi người bệnh tiểu đường biến chứng, những mao mạch ở võng mạc cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, dẫn đến nhiều vấn đề thị lực nghiêm trọng. Ví dụ như: Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, mờ mắt, thậm chí là mù lòa.
- Tổn thương hai chi dưới: Có không ít trường hợp phải chịu đựng nhiều tổn thương ở hai chi dưới do tiểu đường không được điều trị kịp thời. Lý do là vì lượng đường dư thừa đã phá hủy thành mạch máu nuôi dưỡng hai chân cũng như gây tổn thương cho dây thần kinh ở khu vực này. Tình huống thường thấy nhất là nếu chân bị trầy xước, chảy máu, nổi mụn nước hoặc nhiễm trùng thì mất nhiều thời gian hơn để chữa lành.
- Các bệnh ngoài da: Người bị đái tháo đường thường dễ mắc phải các bệnh ngoài da như nhiễm trùng, vi khuẩn hoặc nấm men hơn. Bời vì lúc này hệ thống miễn dịch của cơ thể đã suy yếu hơn cũng như các mô tế bào da không được cung cấp đủ lượng glucose cần thiết để duy trì sự khỏe mạnh vốn có.
- Suy giảm trí nhớ (bệnh Alzheimer): Đối với những người bị tiểu đường tuýp 2, 3, nguy cơ bị suy giảm trí nhớ hoặc bị bệnh Alzheimer thường cao hơn. Điều này có liên quan đến việc sản xuất insulin ở tuyến tụy bị rối loạn cũng như việc dẫn truyền tín hiệu ở não bộ không đạt được hiệu quả. Nếu để bệnh kéo dài, người bệnh có thể rơi vào trạng thái kém minh mẫn, lú lẫn hoặc mất khả năng tạo ký ức mới.
- Phiền muộn, trầm cảm: Dù biến chứng này chiếm tỷ lệ không cao nhưng vẫn có một số trường hợp bệnh nhân tiểu đường loại 1 và 2 rơi vào trạng thái phiền muộn, stress kéo dài hoặc trầm cảm. Vấn đề này có thể gây ra những rối loạn cảm xúc khác nhau, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần cũng như sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
Không chỉ với trường hợp tiểu đường mãn tính, nhiều thai phụ bị tiểu đường cũng gặp phải những rắc rối đối với đời sống và sức khỏe. Theo các chuyên gia, nếu người mẹ không được chẩn đoán và điều trị sớm thì nguy cơ biến chứng xấu xảy ra sẽ là:
Đối với em bé
Thai nhi là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất khi người mẹ bị tiểu đường. Các vấn đề này gồm có:
- Tăng trưởng kích thước quá mức: Glucose dư thừa trong mạch máu của người mẹ có thể theo đường nhau thai tiến vào trong bào thai, khiến cơ thể của em bé phải sản sinh ra nhiều insulin hơn để chống lại lượng glucose đang gia tăng. Điều này làm kích thước của thai nhi phát triển quá mức, người mẹ phải nhờ đến sinh mổ để đưa em bé ra ngoài thuận lợi.
- Lượng đường huyết suy giảm: Có một số trường hợp em bé sơ sinh bị hạ đường huyết do người mẹ bị tiểu đường khi mang thai. Vấn đề này cũng liên quan đến việc cơ thể em bé phải sản xuất nhiều insulin hơn bình thường. Các bác sĩ có thể giải quyết bằng cách truyền dịch tĩnh mạch để đưa lượng đường huyết của em bé trở lại mức ổn định.
- Nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 về sau: Như đã nêu ở trên, yếu tố di truyền có thể khiến em bé sau này bị bệnh tiểu đường tuýp 2. Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định nhưng có nhiều giả thuyết thiên về vấn đề DNA.
- Sinh non hoặc tử vong: Đây được xem là những biến chứng nguy hiểm của tình trạng đái tháo đường trong thai kỳ. Nếu người mẹ không được điều trị kịp thời, em bé có thể chào đời sớm hơn dự kiến và có sức khỏe không ổn định, Nghiêm trọng hơn, thai nhi có khả năng chết lưu trong bụng mẹ hoặc tử vong ngay khi vừa ra đời.
Đối với người mẹ
Người mẹ bị tiểu đường trong thời gian mang thai có thể gặp phải các biến chứng sau đây:
- Tiền sản giật: Tình trạng này đặc trưng bởi một số triệu chứng như huyết áp cao, phù nề ở mắt cá chân hoặc bàn chân, dư thừa protein trong nước tiểu. Tiền sản giật cũng có thể khiến bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Bị tiểu đường thai sản trong lần mang bầu tiếp theo: Nếu đã từng bị tiểu đường thai sản một lần, nguy cơ người mẹ tiếp tục mắc phải chứng bệnh này ở lần mang bầu kế tiếp là rất cao. Không những vậy, tỷ lệ bị tiểu đường mãn tính, đặc biệt là loại 2 ở người mẹ lúc này cũng gia tăng thêm.
Để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải, các chuyên gia khuyến khích người bệnh nên:
- Đặt lịch khám sớm với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị.
- Dùng thuốc đúng theo đơn kê và phác đồ điều trị. Trong quá trình sử dụng nên theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe và mức độ cải thiện của cơ thể.
- Có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh. Tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao.
Bệnh tiểu đường có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe nếu không được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Chính vì vậy, bạn nên đi khám định kỳ hàng năm, thực hiện các sts nghiệm chuyên sâu cũng như xây dựng lối sống lành mạnh cho bản thân nhằm phòng tránh tình trạng này tốt nhất.
Bài viết được chỉnh sửa ngày 27 Tháng Hai, 2021