Carbohydrate là một thuật ngữ khá quen thuộc trong lĩnh vực tập luyện thể thao cũng như ăn uống. Vậy Carbohydrate là gì và nó có tác động gì trong cơ thể? Mời bạn tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau!
Nội dung chính:
Carbohydrate là gì?
Carbohydrate còn được gọi là carbs, là một trong ba thành phần cơ bản trong thức ăn mà cơ thể con người dùng để tạo ra năng lượng, bao gồm: Protein, chất béo và carbohydrate. Cơ thể con người đáp ứng một lượng carbohydrate lớn thông qua chế độ ăn uống.
- Carbohydrate đơn giản: Cấu trúc 1 – 2 phân tử đường. Nếu có 1 phân tử đường là monosaccharide (galactose trong sữa, fructose có trong hoa quả), 2 phân tử đường là disaccharide (maltose trong một số loại rau, bia, sucrose ở trong đường cát, lactose có trong chế phẩm sữa)
- Carbohydrate phức tạp: Cấu trúc có ≥ 3 phân tử đường là polysaccharide (có trong các loại thực phẩm giàu tinh bột). Polysaccharide lại được chia thành phân nhanh và không phân nhánh. Có trong các loại ngũ cốc, ngô, khoai tây, lạc, đậu, chất xơ…
Carbohydrate lại được chia thành 3 loại chính:
- Đường: Là một loại carbohydrates ngắn được tìm thấy trong thực phẩm. Có thể kể đến như: Fructose, glucose, galactose… Giúp duy trì hoạt động của cơ thể.
- Tinh bột: Là một trong những loại carbohydrate có các chuỗi phân từ glucose. Tinh bột sau khi nạp vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành glucose, khi cơ thể nạp đủ lượng glucose sẽ chuyển hóa thành glycogen tích trữ trong cơ.
- Chất xơ: Là một dạng carbohydrate phức tạp. Nó không giúp cung cấp năng lượng trực tiếp nhưng lại giúp nuôi lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa. Những vi khuẩn có lợi này giúp sản xuất ra axit béo mà cơ thể sử dụng để tăng sản sinh năng lượng.
Một số nguồn thực phẩm tự nhiên chứa nguồn carbohydrate lớn mà con người thường sử dụng là: Hoa quả, sữa, các loại rau, các loại hạt, mầm…
Carbohydrate có tác dụng gì?
Carbohydrate cực kỳ hữu ích và cần thiết để đảm bảo cơ thể hoạt động tốt. Chức năng, tác dụng chính của carbonhydrate là cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể và có tác động tốt cho sức khỏe.
Tác dụng cung cấp năng lượng
Carbonhydrate được cơ thể tiêu hóa chuyển hóa thành glucose, nguồn năng lượng chính của cơ thể. Carbs đơn giản cung cấp năng lượng tức thì cho cơ thể, còn carbs phức tạp cung cấp năng lượng cho cơ thể trong cả một thời gian dài.
Cải thiện chức năng não
Trong số tất cả các cơ quan trong cơ thể thì não là cơ quan sử dụng năng lượng nhiều nhất. Số liệu nghiên cứu cho biết, 20% năng lượng cơ thể được bộ não sử dụng. Mà nguồn cung cấp năng lượng chính là carbs, vì thế bổ sung carbs để cải thiện chức năng não là cần thiết.
Giảm thiểu được nguy cơ mắc nhiều bệnh lý
Carbs đơn giản tác động xấu đến sức khỏe của tim mạch nhưng loại carbs phức tạp thì lại làm giảm nguy cơ bị mắc nhiều bệnh lý, điển hình là carbs phức tạp có trong chất xơ, giảm nguy cơ béo phì, bệnh tiểu đường…
Kiểm soát được cân nặng của cơ thể
Carbs phức tạp cơ thể tiêu thụ từ từ rất tốt để kiểm soát được cân nặng, nhất là khi bổ sung ngũ cốc nguyên hạt và lượng chất xơ vừa đủ.
Tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa
Carbs dưới dạng chất xơ sẽ cải thiện được tình trạng sức khỏe của hệ tiêu hóa tốt hơn, chẳng hạn như giảm táo bón, nhu mô động ruột hoạt động tốt hơn, giảm tiêu chảy, đầy hơi… hiệu quả.
Chuyển hóa carbohydrate trong cơ thể
Carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Quy trình chuyển hóa carbohydrate bắt đầu từ enzym thủy phân α – amylase ở trong nước bọt (tuy nhiên chưa nhiều). Và diễn ra chủ yếu là ở hệ thống GI (dạ dày – ruột non – tiểu tràng). Lúc này, enzym α – amylase sẽ thủy phân α – 1,4 glucoside thành maltose và dextrin.
Trong niêm mạc ruột, các tế bào biểu bì cũng có loại enzym tương tự, sau đó sẽ thủy phân để liên kết 1,4 glucoside và 1,6 glucoside trong phân tử α – dextrin. Sau đó, tiếp tục thủy phân maltose và dextrin thành glucose.
Các enzyme lactase, sucrase sẽ thủy phân lactose và sucrose thành galactose, fructose và glucose. Tiếp theo, các niêm mạc tiểu tràng hấp thu chủ động monosaccharide và các chất glucose, galactose được chọn lọc vào trong máu, đến tế bào. Trong các monosaccharide, hexose hấp thụ khá nhanh còn pentose hấp thụ khá chậm.
Nếu glucose chưa được cơ thể sử dụng ngay sẽ được chuyển hóa thành glycogen để dự trữ. Glycogen dự trữ sẽ ở cơ vân và gan. Trường hợp glycogen đã dự trữ đầy, sẽ được chuyển hóa thành lipid. Do đó, quá trình chuyển hóa carbohydrate trong cơ thể theo ba hướng:
- Carbohydrate sẽ vào máu.
- Dự trữ thành glycogen.
- Chuyển hóa thành lipid.
Trường hợp, carbohydrate không đủ hoặc quá thấp, cơ thể sẽ sinh năng lượng từ protein. Do đó, các khối cơ của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Theo khuyến cáo y khoa, mỗi ngày cơ thể nên cung cấp khoảng 2000 calo từ thức ăn để đảm bảo lượng carbohydrate, tương đương với 225 – 325g lượng carbohydrate ăn vào.
Rối loạn chuyển hóa carbohydrate
Các rối loạn chuyển hóa carbohydrate là tổng hợp những rối loạn có ảnh hưởng đến sự đồng hóa và dị hóa của carbohydrate. Lúc này, cơ thể không có khả năng sử dụng tốt các chất chuyển hóa carbohydrate. Những rối loạn chuyển hóa này bao gồm:
Rối loạn chuyển hóa fructose
Fructose là một chất đường đơn (monosaccharide) thường được tìm thấy nhiều trong hoa quả, mật ong. Fructose là thành phần của sorbitol và sucrose. Rối loạn chuyển hóa fructose thường gặp trong các rối loạn chuyển hóa carbohydrate. Bao gồm:
- Thiếu Fructose 1-phosphate aldolase gây ra hội chứng không dung nạp fructose di truyền, tỷ lệ mắc bệnh là 1/20.000. Những trẻ nhỏ mắc chứng rối loạn này thường dễ bị run rẩy, co giật, hôn mê, xơ gan, tinh thần sa sút… khi ăn các thực phẩm chứa fructose.
- Thiếu Fructokinase: dẫn đến tăng lượng fructose trong nước tiểu và máu. Bệnh này không có triệu chứng và chỉ gây đến một số ảnh hưởng như: mệt mỏi, chóng mặt, khó chịu…
- Thiếu fructose-1,6-biphosphatase: ảnh hưởng đến quá trình tân tạo glucose và gây hạ đường huyết, tử vong ở trẻ sơ sinh…
Điều trị rối loạn chuyển hóa fructose theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với chế độ ăn giảm thực phẩm chứa thành phần này.
Galactose máu
Galactose máu là một trong những rối loạn chuyển hóa carbohydrate. Tình trạng này gây ra bởi sự thiếu hụt di truyền ở các enzym chuyển đổi galactose thành glucose. Những người bị chứng rối loạn này thường ảnh hưởng đến chức năng thận, gan, khả năng nhận thức, suy buồng trứng hoặc đục thủy tinh thể sớm.
Tình trạng này được chẩn đoán qua phân tích enzym hồng cầu. Chế độ ăn của người mắc chứng này là loại bỏ thực phẩm chứa galactose như sữa công thức, chất làm ngọt thực phẩm… Ngoài ra, trong chế độ ăn cần bổ sung nhiều canxi và rau xanh tốt cho cơ thể.
Bệnh dự trữ glycogen
Bệnh dự trữ glycogen là một trong những rối loạn chuyển hóa carbohydrate do sự thiếu enzym tổng hợp glycogen. Sự thiếu hụt này có thể xảy ra ở cơ hoặc gan gây ra tình trạng hạ đường huyết và bệnh về cơ.
Tiên lượng điều trị bệnh sẽ khác nhau theo mức độ cũng như tình trạng hiện tại. Cách điều trị thường bổ sung các thực phẩm chứa bột bắp, giảm thực phẩm gây dị ứng cơ thể.
Rối loạn chuyển hóa pyruvate
Pyruvate là một trong những chất nền quan trọng trong quá trình chuyển hóa carbohydrate. Do đó, rối loạn chuyển hóa pyruvate là sự thiếu hụt acetyl CoA từ pyruvate dẫn tới tăng nồng độ axit lactic. Các ảnh hưởng có thể bao gồm dị dạng thần kinh trung ương, tổn thương vỏ não, thân não, tâm thần…
Các chỉ định điều trị cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Thông thường, sẽ là thay đổi chế độ dinh dưỡng để giảm tình trạng bệnh.
Rối loạn chuyển hóa carbohydrate khác
Có thể kể đến như thiếu hụt pyruvate kinase, các enzyme glycolytic… những trường hợp này có thể dẫn đến thiếu máu, tan máu. Tùy tình trạng bệnh sẽ có chỉ định xử lý phù hợp.
Trên đây là tổng hợp thông tin về carbohydrate là gì và các vấn đề liên quan. Có thể thấy, carbohydrate rất quan trọng đối với sức khỏe và hoạt động hàng ngày của cơ thể. Do đó, bạn nên chú ý bổ sung một lượng thực phẩm đủ mỗi ngày để cơ thể hoạt động tốt nhất. Hy vọng những thông tin này hữu ích với bạn!
>> Xem thêm:
- Insulin là gì? Vai trò, chỉ số insulin bình thường?
- Kháng insulin là gì? Dấu hiệu nhận biết, có nguy hiểm không?
Bài viết được chỉnh sửa ngày 15 Tháng Tư, 2021