Đau mỏi vai gáy là một triệu chứng rất phổ biến. Đau mỏi vai gáy có thể là một loại bệnh đặc trưng bởi những cơn đau âm ỉ và thường xuyên ở vùng vai gáy gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến cá hoạt động thường ngày của người bệnh. Bên cạnh đó, đây cũng có thể là một dấu hiệu của những căn bệnh khác. Việc hiểu chính xác về bệnh cũng như cách điều trị, cách phòng ngừa bệnh là rất cần thiết nên hãy cùng tìm hiểu về bệnh qua bài viết dưới đây.
Nội dung chính:
Đau mỏi vai gáy là bệnh gì?
Đau mỏi vai gáy là tình trạng co cứng cơ vùng vai gáy gây đau và làm hạn chế vận động của cổ, có thể làm cổ cứng đờ. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột và dữ dội hoặc đau âm ỉ và tăng dần. Có khi, cơn đau có thể lan dần lên đầu hoặc lan xuống cánh tay, cẳng tay và bàn tay (hội chứng cổ vai tay) hoặc cột sống lưng.
Bệnh đau vai gáy là một dạng rối loạn thần kinh cơ. Bệnh có nguyên nhân là do sự co cứng đột ngột của các cơ ở vùng đốt sống cổ. Sự co cứng đột ngột này dẫn đến tình trạng tê bì, đau mỏi vai gáy. Những cơn đau xuất hiện thường xuyên hơn vào buổi sáng hoặc khi người bệnh giữ nguyên, duy trì quá lâu một tư thế. Đau vai gáy gồm đau vai gáy cấp tính và đau vai gáy mãn tính.
Nguyên nhân đau mỏi vai gáy
Các nguyên nhân gây ra tình trạng này là do tuổi tác, do chấn thương sau tai nạn, do tính chất công việc, do thói quen sinh hoạt hay do thời tiết thay đổi.
- Tuổi tác là một nguyên nhân bởi khi tuổi càng cao thì các cơ quan và các dây thần kinh cũng dần suy giảm chức năng, nhất là hệ thống xương khớp nên không thể tránh đau vai gáy và những căn bệnh khác.
- Những di chứng sau tai nạn giao thông, tai nạn lao động cũng gây đau vai gáy bởi chúng khiến người bệnh đau nhức, nhất là khi thay đổi thời tiết hoặc vận động mạnh.
- Những người có công việc đòi hỏi phải ngồi một tư thế quá lâu hoặc làm việc nặng nhọc cũng dễ bị đau vai gáy.
- Cấu trúc xương vùng vai gáy cũng dễ bị ảnh hưởng gây đau bởi người bệnh có thói quen kê gối ngủ quá cao, kẹp điện thoại giữa cổ và vai khi nghe, ngồi gù lưng,…
- Chứng đau mỏi vai gáy cũng xuất hiện nhiều hơn khi trời trở lạnh vì lúc này, các mạch máu bị co lại khiến quá trình vận chuyển máu và oxy diễn ra chậm hơn.
Đau vai gáy triệu chứng bệnh gì?
Đau vai gáy cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh khác hay những bệnh này là nguyên nhân dẫn đến đau mỏi vai gáy.
- Thoái hóa cột sống cổ, bệnh làm xuất hiện các gai xương chèn ép, làm tổn thương các rễ thần kinh dẫn đến sự tê bì, đau nhức vùng cổ, vai gáy. Thoái hóa cột sống cổ chủ yếu được gặp ở người trên 40 tuổi và có thể diễn tiến đến thoái hóa cột sống thắt lưng nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả.
- Gai đốt sống cổ, do xương bị lắng đọng canxi dẫn đến vôi hóa cột sống và cũng làm hình thành các gai xương chèn ép các rễ thần kinh, từ đó khiến người bệnh đau nhức vai gáy.
- Rối loạn chức năng thần kinh do hệ thống dây thần kinh vùng vai gáy bị chèn ép, đè nén. Khi các dây thần kinh bị kéo giãn quá mức thì những cơn đau xuất hiện là điều không tránh khỏi và người bệnh còn thấy khó ngủ, mệt mỏi, khó tập trung.
- Rối loạn khớp bả vai lồng ngực bởi thói quen ngồi một chỗ quá lâu. Thói quen này khiến cá khớp và dây chằng vùng bả vai bị giãn ra nên gây đau nhức, cơn đau có thể lan xuống bả vai và lưng.
- Viêm bao khớp vai, bệnh này cũng có thể khiến người bệnh đau mỏi vai gáy nhất là khi trời trở lạnh hoặc xuất hiện khi bệnh nhân mất ngủ và nằm nghiêng.
- Đặc biệt, nếu trẻ em và những người trẻ bị đau mỏi vai gáy thì có khả năng đây là dấu hiệu của u hố sau, một bệnh lý nguy hiểm, là u vùng tiểu não, góc cầu tiểu não, u não thất 4 và u thân não. Bệnh này có triệu chứng là những cơn đau đầu dữ dội lan từ vùng chẩm phía sau đầu xuống gáy làm cho bệnh nhân thấy cứng gáy, cổ cứng đờ, ưỡn ngược ra sau hoặc sái cổ. Cùng với đó là người bệnh đi đứng loạng choạng, không vững, rối loạn nói (nói chậm, nói khó), viết chữ xấu,…
Triệu chứng đau vai gáy
Đau mỏi vai gáy ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày và sức khỏe của người bệnh. Các dấu hiệu triệu chứng nhận biết gồm:
- Những cơn đau vùng vai gáy có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, âm ỉ hoặc dữ dội, chỉ chạm nhẹ hay cử động nhẹ cũng đau nên làm ngắt quãng công việc hoặc hoạt động đang thực hiện. Những cơn đau này hạn chế các cử động, khiến người bệnh khó chịu, khó khăn ngay khi cả quay đầu, giơ tay, cử động vai.
- Người bệnh còn có thể thấy ù tai, đau đầu, chóng mặt, tê bì cổ vai gáy nếu đau kéo dài, thậm chí không thể đứng thẳng lên mà phải cong gù mình lại.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh bởi khi bị đau vai gáy, giấc ngủ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp cùng với đó là hàng loạt các bệnh lý khác, dẫn tới tình trạng mệt mỏi, thiếu tập trung, suy giảm trí nhớ, suy nhược cơ thể.
Đau vai gáy có nguy hiểm không?
Thống kê cho thấy rằng có đến hơn 80% người dân đã từng hoặc đang bị đau mỏi vai gáy có nghĩa là có đến hơn 80% người có cuộc sống hằng ngày phải chịu ảnh hưởng bởi chứng bệnh này. Vì vậy, chắc hẳn có nhiều người thắc mắc rằng đau vai gáy có nguy hiểm hay không?
Câu trả lời là bệnh không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, tuy nhiên khi bệnh diễn tiến nặng, người bệnh không thể tránh khỏi việc đối mặt với một trong một số những biến chứng nguy hiểm như rối loạn tiền đình, hẹp ống sống, tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, đau rễ thần kinh,…
Rối loạn tiền đình thiếu máu nuôi dưỡng não
Người bệnh bị đau mỏi vai gáy do bệnh lý thoái hóa đốt sống cổ thường gặp phải tình trạng rối loạn tuần hoàn máu não. Điều này làm cho mạch máu lên não bị chèn ép nên não không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, khó tập trung,… Đây là biến chứng phổ biến bởi đau mỏi vai gáy và thường gặp ở người trên 50 tuổi.
Hẹp ống sống, chèn ép tủy sống vùng cổ
Biến chứng này xảy ra khi các tổn thương cột sống cổ ở mức độ nặng. Biến chứng này hiếm gặp nhưng nếu bệnh nhân gặp phải thì có thể sẽ phải đối mặt với các tai biến nặng nề như rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn cảm giác ở tay chân, rối loạn dáng đi, cơ tay bị teo dần và yếu đi hoặc thậm chí là liệt tứ chi hoặc liệt nửa người.
Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay
Bệnh nhân đau mỏi vai gáy kèm theo hoặc gây ra bởi thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, viêm đốt sống cổ, chấn thương vùng vai,… có thể gặp phải biến chứng này. Khi đám rối thần kinh cánh tay bị tổn thương, bệnh nhân sẽ có cảm giác tê bì hoặc mất cảm giác từng vùng của tay, hoặc teo yếu cơ, giảm vận động, thậm chí là liệt vận động cánh tay, cẳng tay, bàn tay và cả ngón tay.
Đau rễ thần kinh
Khi các rễ thần kinh vùng cổ bị chèn ép, những bệnh nhân đau vai gáy sẽ gặp phải những cơn đau nhói, nhức nhối, dữ dội hoặc bị bỏng rát, tê tái vùng cổ, vai gáy, cánh tay, đầu và lưng.
Bên cạnh các biến chứng nguy hiểm trên, đau mỏi vai gáy kéo dài trong vài ngày, thậm chí vài tháng sẽ khiến bệnh nhân khó ngủ, mất ngủ, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi khiến bệnh nhân suy sụp. Hệ quả là cơ thể sẽ phát sinh những bệnh khác như mất ngủ, suy nhược cơ thể, tăng huyết áp, trầm cảm,… Cùng với đó là chất lượng cuộc sống và năng suất học tập, làm việc giảm đáng kể khiến người bệnh căng thẳng mệt mỏi, ảnh hưởng tới cả công việc và gia đình.
Đau vai gáy có chữa khỏi được không?
Hằng năm, số người gặp các vấn đề vùng vai gáy chiếm khoảng 30% dân số thế giới. Phần lớn trong số đó là đáp ứng với điều trị hoặc tự hết triệu chứng, nhưng cũng có một tỷ lệ đáng kể các bệnh nhân diễn tiến nặng thành đau mỏi vai gáy mãn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đến cuộc sống. Vậy đau vai gáy có chữa khỏi được không? Câu trả lời là có thể chữa khỏi nhưng còn tùy thuộc vào thời gian phát hiện bệnh sớm hay muộn, cơ chế phát sinh bệnh và mức độ đau.
Nếu đau mỏi vai gáy do thói quen sinh hoạt không tốt gây ra, ở mức độ nhẹ, mới khởi phát hoặc phát hiện sớm thì bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn và quá trình điều trị cũng không mấy khó khăn. Tuy nhiên, nếu đau vai gáy là dấu hiệu của các bệnh khác hoặc bệnh diễn tiến nặng thì khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Bởi vì lúc này, không những điều trị mỗi chứng đau vai gáy mà bệnh nhân còn phải tiếp nhận phác đồ điều trị của những bệnh hoặc biến chứng khác tương đối phức tạp và đòi hỏi bệnh nhân phải thực sự kiên trì. Có thể thấy được rằng, việc phát hiện bệnh kịp thời và điều trị đúng cách là rất quan trọng, quyết định phần lớn kết quả điều trị.
Điều trị đau vai gáy
Các cách điều trị vai gáy hiện nay được đông đảo người bệnh áp dụng gồm có:
Điều trị đau vai gáy tại nhà
Có một số biện pháp điều trị tại nhà hiệu quả mà bệnh nhân đau mỏi vai gáy nhẹ, cấp tính có thể áp dụng.
Chườm nóng
Gồm các bước: đổ nước ấm vào một chai thủy tinh, sử dụng chai thủy tinh chứa nước ấm chườm lên vị trí đau nhức ở vai gáy, chườm liên tục trong khoảng 15 phút hoặc khi thấy cơn đau giảm hẳn. Bệnh nhân nên thực hiện chườm đều đặn mỗi ngày hoặc mỗi khi cơn đau xuất hiện để thấy được hiệu quả và lưu ý không dùng nước quá nóng bởi da có thể bị bỏng.
Chườm lạnh
Gồm các bước: chuẩn bị đá viên lạnh cho vào một miếng vải, khăn hoặc túi chườm, sau đó chườm lên vùng vai gáy bị đau nhức đến khi cơn đau giảm hẳn. Biện pháp này cũng cần duy trì đều đặn và chú ý tránh chườm lên những vết thương hở (nếu có) bởi dễ gây nhiễm trùng.
Châm cứu, bấm huyệt
Cách này giúp đả thông kinh lạc và tăng cường tuần hoàn máu. Tuy nhiên, để có kết quả tốt và tránh các biến chứng nguy hiểm, người thực hiện châm cứu, bấm huyệt cho bệnh nhân phải thực sự hiểu về bệnh và có kỹ thuật đúng.
Các bài thuốc dân gian
Các bài thuốc dân gian lành tính, an toàn, dễ thực hiện như ngải cứu, lá lốt, rau kinh giới, lá đắng,… cũng có thể có tác dụng với người đau vai gáy nhẹ.
Các bài tập sau tại nhà
Bên cạnh các biện pháp kể trên, người bệnh có thể thực hiện các bài tập sau tại nhà để hỗ trợ điều trị.
- Một là bài tập xoay cổ: nằm ngửa ra thảm hoặc sàn nhà, sử dụng một chiếc khăn quấn lại và đặt dưới vùng gáy và giữ nguyên ở tư thế đó trong khoảng 10 phút.
- Hai là bài tập tư thế con mèo: quỳ gối, hay tay chống xuống sàn, cánh tay giữ thẳng; sau đó, hít thở sâu, thả lỏng phần bụng đồng thời ngẩng đầu, ưỡn ngực và giữ nguyên động tác trong 10 – 20 giây; tiếp theo, thở ra, hóp bụng đồng thời cúi để cằm xuống sát ngực, đẩy cong phần lưng lên trên và giữ trong 10 – 20 giây rồi trở về tư thế ban đầu.
- Các bài tập khác như xoay vai, vặn mình, ưỡn cổ, co duỗi cơ vai,… cũng có hiệu quả với người bệnh.
Điều trị đau vai gáy tại các cơ sở y tế
Khi đến bệnh viện, người đau vai gáy được thăm khám và chẩn đoán chính xác thông qua một số kĩ thuật. Chụp x-quang giúp phát hiện được khối u, các khe hẹp giữa 2 đốt sống. Chụp CT giúp có được hình ảnh chi tiết bên trong vùng cổ vai gáy. Chụp cộng hưởng từ giúp kiểm tra các yếu tố liên quan đến tủy sống, kiểm tra dây thần kinh và dây chằng vùng cổ vai gáy. Chụp tủy sống là phương pháp tương đương với chụp cộng hưởng từ.
Sau khi được thăm khám và chẩn đoán chính xác, bệnh nhân đau mỏi vai gáy sẽ được bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả với tình trạng bệnh.
Phương pháp điều trị nội khoa
Bác sĩ có thể chỉ định một vài loại thuốc phù hợp bằng đường uống hoặc tiêm, bao gồm thuốc giảm đau (Aspirin, Paracetamol), thuốc kháng viêm không steroid (Meloxicam Celecoxib, Piroxicam, Diclofenac,…), thuốc giãn cơ (Diazepam, Mydocalm, Myonal), thuốc giảm đau thần kinh (Pregabalin, Gabapentin,…), thuốc chống trầm cảm và các loại vitamin nhóm B (B1, B6, B12).
Phương pháp vật lý trị liệu
Kéo cột sống cổ, các bài tập hỗ trợ điều trị và giảm các cơn đau nhức,…
Phương pháp tác động cột sống
Phương pháp này không châm cứu, không dùng thuốc đông y cũng như các loại thuốc giảm đau, giãn cơ cũng có tác dụng hiệu quả. Nguyên lý điều trị của phương pháp là khi có sự lồi, lệch, lõm, lớp cơ co cộm, teo nhược, thần kinh bị chèn ép dẫn đến tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau. Mỗi một đốt sống trên hệ cột sống đảm nhận vai trò riêng biệt nên để điều trị các bệnh lý liên quan, phải điều chỉnh được gốc của bệnh là cột sống.
Khi thuốc giảm đau, giãn cơ không có hiệu quả, các tác động ngoài da tại chỗ sẽ giúp người bệnh dễ chịu hơn. Bệnh nhân sẽ được kỹ thuật viên tập vận động thụ động khớp và các cơ; xoa dịu các dây thần kinh, từ đó cơ vùng vai gáy được giãn ra, tăng cường tuần hoàn và giảm các cơn đau nhức. Đồng thời, vùng vai gáy cũng là vùng chứa nhiều dây thần kinh lớn nên khi được mát xa, xoa bóp, người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái, thư giãn và giảm căng thẳng. Bên cạnh dây thần kinh, các huyệt đạo cũng được tác động, từ đó tác dụng gián tiếp lên các cơ quan chủ quản của cơ xương khớp giúp sản sinh ra các chất kháng lại cơn đau.
Phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật được chỉ định với những trường hợp nặng, khi các phương pháp điều trị khác không có tác dụng, phẫu thuật giúp rễ thần kinh hoặc tủy sống.
Bệnh nhân cần lưu ý rằng việc lạm dụng thuốc chống viêm, giảm đau sẽ làm tổn thương gan, tăng men gan, viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày,… Việc dùng corticoid trong thời gian dài dẫn đến tình trạng loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường, thậm chí là hội chứng Cushing,… Vì vậy, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ và trao đổi với bác sĩ ngay khi gặp vấn đề bất thường.
Phòng ngừa đau mỏi vai gáy
Để tránh ảnh hưởng đến công việc cũng như giảm chất lượng cuộc sống, việc phòng ngừa đau mỏi vai gáy là rất cần thiết.
- Mỗi người đầu tiên cần tập và duy trì thói quen sinh hoạt, lao động, học tập đúng tư thế. Cụ thể là tránh ngồi một chỗ quá lâu, thi thoảng vận động nhẹ nhàng cổ, vai và tay; giữ cổ luôn thẳng, không cúi quá lâu; không gối đầu cao khi nằm.
- Tiếp đó không nên bẻ khớp cổ, cánh tay hay vai tạo ra tiếng răng rắc bởi hành động này có thể khiến đĩa đệm thoát vị ra ngoài (nếu nguyên nhân đau mỏi là do đĩa đệm bị thoái hóa).
- Người bệnh cũng nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, làm việc nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng quá mức. Các bài tập nhẹ nhàng như các động tác dưỡng sinh, ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước rồi ngửa đầu ra sau; nghiêng đầu sang trái rồi sang phải; xoay tròn đầu, xoay vai nên được thực hiện đều đặn. Tuy nhiên, cần tránh xoay cổ, vặn cổ, xoay lưng, xoay tay mạnh và đột ngột bởi chúng cũng gây ảnh hưởng đến cột sống.
- Tránh mang vác vật nặng quá lâu và đột ngột, nên nhờ người xung quanh giúp đỡ hoặc sử dụng thiết bị hỗ trợ để hạn chế áp lực lớn tác động lớn lên vùng cổ vai gáy và cột sống.
- Bổ sung các thành phần tốt cho hệ xương khớp như canxi, kali, các loại vitamin B, C, E,… trong các bữa ăn và hạn chế dùng các thực phẩm có hại cho sức khỏe như các chất kích thích, đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên rán,…
- Mọi người nên cung cấp đủ 2 lít nước mỗi ngày và tránh hút thuốc lá, uống rượu bia và các đồ uống có cồn khác.
- Đồng thời cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh để cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột.
- Với các trường hợp đã từng hoặc đang mắc các bệnh liên quan đến xương khớp, cần tập trung điều trị dứt điểm bệnh và ăn uống, ngủ nghỉ, vận động hợp lý để tránh làm xuất hiện đau mỏi vai gáy.
- Mọi người cũng cần đi khám sức khỏe định kỳ (kể cả những người trẻ, những người không có triệu chứng) để phát hiện bệnh kịp thời nếu có, nhờ đó được bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm giúp tránh được các hậu quả xấu lên sức khỏe và đời sống.
Như vậy, tình trạng đau mỏi vai gáy không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng và có thể được điều trị khỏi khi bệnh ở mức độ nhẹ và được phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, không vì thế mà người bệnh chủ quan, phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị và chỉ dẫn của bác sĩ để tránh trường hợp diễn tiến nặng thành mãn tính và gây các biến chứng nguy hiểm. Thói quen sinh hoạt, vận động đúng tư thế và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh là biện pháp phòng ngừa hiệu quả không chỉ đối với bệnh đau vai gáy mà còn với nhiều bệnh lý khác.
Bài viết được chỉnh sửa ngày 27 Tháng Tư, 2021