Mỗi người trong chúng ta đều có những thời điểm phải đối mặt với áp lực, khó khăn dẫn đến hiện tượng stress. Tuy nhiên, đây không đơn giản chỉ là vấn đề cảm xúc, những tác động của stress tới sức khoẻ và chất lượng cuộc sống cũng rất cần được quan tâm.
Nội dung chính:
Stress là gì?
Stress hay căng thẳng thần kinh là một yếu tố cảm xúc, hoá hoạc hoặc vật lý do các bất ổn về tinh thần gây nên. Khi chúng ta căng thẳng, lo lắng cơ thể sẽ phản ứng tương tự như lúc gặp hiểm nguy bằng cách sản sinh hormone giúp tăng cường sức mạnh cho cơ bắp, tăng nhịp thở và tăng nhịp tim. Phản ứng này được gọi là phản ứng chống lại căng thẳng.
Những căng thẳng mang tính tích cực sẽ đem lại tác động tốt, giúp bạn tập trung và giải quyết các vấn đề khó khăn, phản ứng này rất cần thiết đối với con người. Loại căng thẳng này buộc chúng ta phải suy nghĩ và hành động nhằm có được quan điểm và nhận thức mới mẻ hơn.
Tuy nhiên, tình trạng stress diễn ra thường xuyên hoặc trong thời gian dài sẽ dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Vấn đề sức khoẻ trên có thể gây khó ngủ, đau lưng, đau bụng, đau đầu, làm suy giảm chức năng miễn dịch và việc trị bệnh sẽ trở nên khó khăn hơn. Nếu bạn đang có bệnh, nó có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Thường xuyên căng thẳng, lo lắng cũng làm ảnh hưởng tới công việc, học tập cũng như các mối quan hệ trong xã hội.
Các loại stress thường gặp
Stress được phân loại thành các dạng sau:
Stress tích cực (Eustress)
Stress có ích, thường xuất hiện khi cần dùng đến sức lực, sáng tạo, khi gặp nguy hiểm. Eustress tác động giúp tăng sức mạnh chiến đấu, kích thích khả năng sáng tạo, cũng như chuẩn bị năng lượng cần thiết cho cơ thể để chống chọi hoặc bỏ chạy khi gặp nguy hiểm.
Stress tiêu cực (Distress)
Khiến cơ thể, tâm trí của bạn phải chịu đựng khi thói quen sinh hoạt, thói quen sống bị thay đổi hoặc bị điều chỉnh. Tâm trí bạn chưa kịp thích ứng với sự thay đổi, điều chỉnh này nên thường có xu hướng quay lại những thói quen cũ. Bao gồm:
- Stress cấp tính (Acute Stress) xuất hiện ngay sau khi thói quen bị thay đổi, diễn ra nhanh, tác động mạnh mẽ
- Stress trường diễn (Chronic Stress) xuất hiện khi bị điều chỉnh, thay đổi trong cả một thời gian dài, thường xảy ra khi thay đổi công việc, môi trường làm việc, du lịch dài ngày (trên 6 tháng và đi nhiều nơi)
Stress dạng hyperstress
Đây là loại tiêu cực xảy ra khi bạn phải chịu đựng áp lực rất lớn so với khả năng chịu đựng của mình. Điển hình ở những người làm kinh doanh, cạnh tranh cao hoặc người làm công việc nặng nhọc, quá sức liên tục.
Stress dạng hypostress
Xuất hiện khi bạn cảm thấy bị nhàm chán, chán nản, thiếu động lực phấn đấu khi không có một thử thách, khó khăn nào trong cuộc sống.
Ngoài ra, nếu phân loại theo nguyên nhân thì stress có các dạng:
- Stress do lo lắng xung quanh
- Stress nuôi dạy con cái
- Stress do công việc
- Stress tiền bạc
- Stress do cuộc sống đô thị
- Stress thay đổi cuộc sống
- Stress sang chấn thời thơ ấu
Nguyên nhân gây stress
Thủ phạm dẫn đến tình trạng này chính là những áp lực, căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Những yếu tố này khiến bạn kiệt sức, mệt mỏi, không đủ khả năng để hoàn thành công việc và dẫn đến căng thẳng thần kinh. Cụ thể:
- Yếu tố công việc: Nguyên nhân này thường gặp ở những người phải làm việc với khối lượng lớn, nhiều sức ép trong thời gian dài. Chất lượng và tiến độ công việc luôn khiến họ lo lắng, mệt mỏi và rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh.
- Yếu tố sức khỏe: Những vấn đề liên quan đến sức khoẻ cũng có thể khiến thần kinh bị căng thẳng, phần lớn nỗi lo đều xoay quanh chi phí điều trị, làm sao lấy lại được sức khoẻ hoặc nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm,…
- Các mối quan hệ trong cuộc sống: Đôi khi những nỗi lo âu, căng thẳng xuất phát từ chính những mối quan hệ của chúng ta như mâu thuẫn vợ chồng, cha mẹ và con cái xung đột, hiểu lầm, cãi vã giữa đồng nghiệp, bạn bè,…
Bên cạnh đó, những áp lực do bản thân tự tạo ra, các kì vọng thiếu thực tế hay một sang chấn tâm lý như mất đi người thân, mất việc làm,… kể cả việc lạm dụng caffeine, rượu bia,… cũng có thể dẫn đến vấn đề về tâm lý, thần kinh.
Dấu hiệu stress
Stress là vấn đề sức khoẻ có biểu hiện về cả mặt cảm xúc, tinh thần, thể chất và hành vi. Các dấu hiệu thường gặp gồm có:
- Về cảm xúc: Căng thẳng, lo âu, tức giận, trầm cảm, sợ hãi, lo lắng, thất vọng, khó chịu, chán nản, nóng tính và thiếu kiên nhẫn.
- Về tinh thần: Thiếu quyết đoán, giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung và mất khiếu hài hước.
- Về thể chất: Mất ngủ, đau đầu, mệt mỏi, chuột rút, đau nhức cơ (đặc biệt là lưng, cổ và vai), buồn nôn, đau ngực, tim đập nhanh, lâu ngày dẫn đến suy nhược cơ thể.
- Về hành vi: Thay đổi thói quen ăn uống, sử dụng rượu bia, thuốc lá, la hét, khóc, đổ lỗi, bồn chồn, hối hả, thậm chí là ném hoặc đập phá đồ vật.
Bạn cũng có thể gặp phải những dấu hiệu khác không được đề cập đến trong bài viết. Hãy liên hệ ngay với bác sỹ nếu có bất cứ triệu chứng bất thường nào nhé.
Tác hại của stress
Sức khỏe thể chất và tinh thần luôn đi đôi cùng nhau. Khi bạn lo âu quá mức về một điều đó, những vấn đề về thể chất cũng rất dễ xảy ra. Vậy, stress gây ra những tác hại gì đối với cơ thể?
- Tăng nguy cơ gặp vấn đề về tim mạch: Các bất ổn về tâm lý khiến cơ thể giải phóng triglycerid và cholesterol vào máu, làm lưu lượng máu và nhịp tim tăng lên. Những sang chấn tâm lý đột ngột cũng có thể kéo theo nhiều vấn đề tim mạch nguy hiểm, gồm cả đau tim.
- Béo phì: Vấn đề tâm lý khiến lượng cortisol được tiết ra nhiều hơn và làm cơ thể tăng tích lũy mỡ thừa vùng bụng. Mỡ thừa vùng bụng đã được chứng minh là gây nên nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ hơn mỡ thừa ở các khu vực khác.
- Tiểu đường: Thứ nhất vấn đề thần kinh trên làm hình thành nhiều thói quen xấu như mất kiểm soát trong ăn uống, chế độ ăn không lành mạnh. Thứ hai, tình trạng này có thể làm tăng chỉ số đường huyết đối với người tiểu đường tuýp II.
- Ngoài ra, căng thẳng thần kinh còn gây đau đầu, các vấn đề liên quan đến đường tiêu hoá (ợ nóng, hội chứng ruột kích thích, trào ngược dạ dày – thực quản, làm hiện tượng viêm loét tồi tệ hơn,…), chứng alzheimer, lão hoá sớm, giảm tuổi thọ,…
Cách xả stress
Làm việc hay học tập trong khi sự căng thẳng đang bao phủ trí óc bạn quả thực là một điều khó khăn. Vấn đề này làm bạn rất khó kiểm soát hành vi và điều chỉnh cảm xúc. Vì vậy, khi gặp stress bạn hãy tham khảo những cách giải toả sau đây nhé:
- Hít thở sâu: Hít vào thật sâu sau đó từ từ thở ra bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, lấy lại được sự bình tĩnh và tỉnh táo hơn.
- Đi bộ: Nghiên cứu đã cho thấy đi bộ ngoài trời giúp bạn thoải mái, lấy lại cảm giác dễ chịu nhờ nguồn năng lượng từ thiên nhiên.
- Trò chuyện, tâm sự cùng bạn bè: Chia sẻ và nói ra những điều khó khăn, dồn nén trong cuộc sống với bạn bè, người thân là cách tốt nhất để giải tỏa sự lo lắng, căng thẳng mà bạn đang phải gánh chịu.
- Viết nhật kí: Nếu bạn không thể giãi bày tâm sự cùng ai thì một cuốn nhật kí sẽ giúp bạn san sẻ tâm tư thầm kín và giữ bí mật tuyệt đối cho bạn.
Bạn không nên chủ quan khi có dấu hiệu stress bởi đây không phải là biểu hiện cảm xúc nhất thời. Nếu tiến triển thành mạn tính, stress sẽ gây nhiều ảnh hưởng xấu về sức khỏe tinh thần và thể chất. Vì vậy, bạn hãy cố gắng kiểm soát và hạn chế căng thẳng để tránh các tác động xấu đến cơ thể nhé.
Bài viết được chỉnh sửa ngày 11 Tháng Tư, 2021