Khi nhắc về chứng suy giảm trí nhớ, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh những người trung niên và người già cao tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế, triệu chứng này không hề phân biệt tuổi tác và có thể xuất hiện ở cả những người trong độ tuổi thanh niên. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin tổng quát, cơ bản nhất về chứng bệnh này.
Nội dung chính:
Suy giảm trí nhớ là gì?
Suy giảm trí nhớ còn được gọi bằng những tên khác như chứng mất trí, đãng trí hay suy giảm nhận thức. Đây là một trong những biểu hiện của sự suy giảm chức năng não bộ hoặc do sự ngưng trệ trong quá trình vận chuyển thông tin về vỏ não. Ban đầu, người bệnh chỉ thường quên những việc thường ngày mới xảy ra, hoặc hay bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, càng về sau, khi bệnh trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân thậm chí còn không nhận ra được người thân trong gia đình, dễ bị đi lạc và trở nên ngơ ngác, không thể tự chủ trong cuộc sống hàng ngày.
Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có khoảng 24 triệu người mắc phải căn bệnh này. Riêng ở nước ta, có đến 85% người dưới 50 tuổi đã gặp phải các vấn đề về suy giảm trí nhớ. Trong đó, khoảng một nửa số ca bệnh này sẽ tiến triển thành các hội chứng Alzheimer – một hội chứng gây sa sút trí tuệ khi về già.
Suy giảm trí nhớ ở người trẻ
Xảy ra do tác động của gốc tự do được sản sinh ra trong quá trình chuyển hóa, do bị stress, căng thẳng kéo dài, trầm cảm, áp lực của công việc, cuộc sống, thiếu hụt chất dinh dưỡng hoặc do bị rối loạn giấc ngủ…
Suy giảm trí nhớ ở người già
Người già trí nhớ thường bị suy giảm bắt nguồn từ căn bệnh Alzheimer, các bệnh lý khác như xuất huyết não, bị nhồi máu cơ tim, viêm não, tiểu đường, suy giáp hoặc do bị chấn thương ở vùng sọ não, rối loạn thần kinh, cũng như do sử dụng thuốc điều trị không hợp lý, lạm dụng chất kích thích.
Suy giảm trí nhớ ở trẻ em
Không chỉ xảy ra ở người già, người trẻ tuổi, suy giảm trí nhớ còn có thể xảy ra ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do trẻ nhỏ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, bị rối loạn giấc ngủ, stress, căng thẳng, trầm cảm,…
Nguyên nhân suy giảm trí nhớ
Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ rất đa dạng, nhưng chủ yếu do:
Tuổi tác và một số bệnh lý
Ở những người lớn tuổi, bệnh lý này thường xuất phát chủ yếu từ sự thoái hóa của các tế bào thần kinh. Đôi khi, chúng lại bắt nguồn từ hệ lụy của các bệnh lý khác như đột quỵ, thiếu máu não, chấn thương sọ não, viêm não,…
Thiếu hụt sắt, vitamin B
Còn với những người trẻ tuổi hơn, nguyên nhân dẫn đến suy giảm trí nhớ thường liên quan đến các vấn đề dinh dưỡng và lối sống.
- Cụ thể, nếu thiếu hụt sắt trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày thì sẽ dẫn đến thiếu máu, khiến cơ thể mệt mỏi, choáng váng.
- Nếu thiếu vitamin B thì dễ gây ra tình trạng mất trí nhớ, bởi đây là một chất quan trọng giúp sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh.
Do đó, cả hai dưỡng chất này đều nên được bổ sung đầy đủ trong bữa ăn hàng ngày để duy trì sự khỏe mạnh của não bộ.
Do thói quen sinh hoạt hàng ngày, môi trường xung quanh
Bên cạnh đó, suy giảm trí nhớ ở người trẻ và người trung niên còn xuất phát từ những thói quen sinh hoạt hàng ngày và môi trường xung quanh.
- Nếu người bệnh thường xuyên phải chịu rất nhiều áp lực, dẫn đến stress quá mức thì khả năng tập trung và tốc độ phản ứng của não bộ sẽ bị giảm sút. Lâu ngày, dẫn đến tình trạng sa sút trí nhớ.
- Môi trường nhiều căng thẳng cũng là một yếu tố dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khiến cho hệ thống thần kinh và cơ thể không có đủ thời gian để hồi phục. Do đó, não bộ sẽ có nguy cơ bị tổn thương cao và trí nhớ cũng bị suy giảm.
Nội tiết tố cơ thể bị mất cân bằng
Ngoài ra, tình trạng suy giảm trí nhớ còn thường xuất hiện ở phụ nữ sau sinh. Nguyên nhân là bởi nội tiết tố cơ thể bị mất cân bằng. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến não bộ, tác động mạnh mẽ đến các tế bào thần kinh ở trung khu ghi nhớ.
Thêm vào đó, khi chăm con nhỏ, người mẹ thường phải chịu rất nhiều áp lực với đủ mọi lo toan trong gia đình nên dễ bị stress và trầm cảm. Do đó, họ cũng dễ gặp phải tình trạng “não cá vàng” sau sinh.
Triệu chứng suy giảm trí nhớ
Triệu chứng suy giảm trí nhớ được biểu hiện thông qua một số hiện tượng hàng ngày như:
- Chậm nhớ, chóng quên, hay quên vị trí đồ đạc, sự kiện nào đó
- Thiếu tập trung, thiếu tỉnh táo trong công việc và học tập
- Cảm thấy khó khăn trong việc làm các bài tập tính toán, lập kế hoạch hay khi phải đưa ra quyết định nào đó
- Người bệnh cũng thường xuyên cảm thấy bị stress, căng thẳng
- Tâm trạng của họ thay đổi thất thường, hay cáu gắt, khó kiểm soát hành vi của bản thân
- Người bệnh còn bị nhầm lẫn trong việc nhận thức về thời gian hoặc vị trí mình đang ở
Hậu quả suy giảm trí nhớ
Suy giảm trí nhớ tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng, song nó lại khiến cho cuộc sống của người bệnh trở nên khó khăn hơn.
- Trong công việc và học tập, người bệnh thường khó theo kịp tiến độ của bài học, không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu do tốc độ phản ứng chậm chạp và tư duy suy giảm.
- Còn trong đời sống hàng ngày, suy giảm trí nhớ khiến cho cuộc sống của họ trở nên rối loạn hơn khi thường xuyên quên các việc hàng ngày như quên mang chìa khóa, ví tiền, quên tắt điện,… Đồng thời, các mối quan hệ xung quanh cũng dễ bị ảnh hưởng tiêu cực do tâm trạng, cảm xúc và hành vi của người bệnh thay đổi thất thường, dễ cáu gắt.
- Đặc biệt, nếu suy giảm trí nhớ không được điều trị và khắc phục kịp thời thì những ảnh hưởng của nó về mặt sức khỏe là tương đối nghiêm trọng. Theo các số liệu thống kê, có tới 50% số người bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn sa sút trí tuệ chỉ trong vòng 3 năm.
- Mặt khác, suy giảm trí nhớ cũng là tiền đề để các bệnh lý não bộ, thần kinh khác phát triển, ví dụ như: Alzheimer, Parkinson, teo não, tổn thương chất trắng, tổn thương mạch máu não,…
Điều trị suy giảm trí nhớ
Để điều trị chứng suy giảm trí nhớ, trước hết, người bệnh cần thay đổi chế độ dinh dưỡng cũng như các thói quen sinh hoạt hàng ngày. Các bữa ăn nên được xây dựng với dinh dưỡng đa dạng, đủ chất, chú trọng bổ sung vitamin B, sắt và các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa. Đồng thời, cần hạn chế các loại thực phẩm giàu carbohydrate, chất kích thích, thuốc lá và nước uống có gas.
Trong sinh hoạt hàng ngày, người bệnh nên tích cực luyện tập thể dục, thể thao để tăng cường tuần hoàn, giúp não bộ nhận được đủ oxy và chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh xa các yếu tố gây căng thẳng, stress;
Sử dụng phương pháp thiền, tập yoga để cải thiện tình trạng này. Hàng ngày, người bệnh nên dành khoảng 20-30 phút để chơi các trò chơi trí tuệ như chơi cờ, lego, rubik, rút gỗ, sudoku,… Điều này không chỉ giúp giải tỏa căng thẳng hiệu quả, mà còn giúp não bộ duy trì được trạng thái minh mẫn, do chúng được “tập thể dục” nhiều hơn.
Trên đây là một số thông tin cơ bản nhất về chứng bệnh suy giảm trí nhớ. Hi vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm cho mình những kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!
>> Có thể bạn quan tâm: Suy nhược cơ thể nguyên nhân, dấu hiệu và thuốc bổ cho người bệnh
Bài viết được chỉnh sửa ngày 11 Tháng Tư, 2021