Viêm khớp dạng thấp là gì? Triệu chứng nhận biết và cách điều trị

Viêm khớp dạng thấp là một trong những căn bệnh về xương khớp phổ biến, được quan tâm hàng đầu hiện nay. Viêm khớp dạng thấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết nhất về căn bệnh này!

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp hay còn được biết đến với tên gọi viêm đa khớp dạng thấp. Bệnh viêm khớp là căn bệnh tự miễn điển hình, xuất hiện trên nhiều người bệnh ở nước ta. Bệnh xảy ra do hệ thống miễn dịch hiểu nhầm và tấn công vào các mô trong cơ thể. Ngoài việc gây ra những tổn thương trên khớp, viêm khớp dạng thấp còn gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trên cơ thể như mắt, da, phổi, tim, mạch máu,…

Bệnh có liên quan trực tiếp đến hệ thống các khớp trên cơ thể. Khi gặp bệnh này, cơ thể sẽ xuất hiện tình trạng sưng, đỏ, đau và cứng các vùng khớp. Bệnh viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Không giống như các bệnh về hao mòn xương khớp khác, bệnh viêm khớp dạng thấp gây ra những tổn thương đến hệ thống niêm mạc khớp, đau, sưng và xói mòn khớp theo thời gian.

Theo thống kê, cứ 100 người ở độ tuổi trưởng thành thì có từ 1 đến 5 người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Độ tuổi thường thấy nhất là từ 20 đến 40 tuổi, đặc biệt là những phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ.

Viêm khớp dạng thấp

Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra khi mà hệ thống miễn dịch cơ thể tấn công lớp màng synovium bao quanh khớp. Hậu quả là lớp màng này bị tổn thương, dày hơn và dần dần phá hủy phần sụn khớp đó. Mặt khác, hệ thống thần kinh, dây chằng, mạch máu, cơ xung quanh vị trí này cũng bị tổn thương, suy yếu, mất dần các liên kết.

Các nghiên cứu trên thế giới vẫn chưa thể lý giải được tình trạng dẫn đến hệ miễn dịch hiểu nhầm và tấn công các ổ khớp này. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng yếu tố di truyền cũng gây ảnh hưởng đến bệnh viêm khớp. Nguyên nhân là do một số gen đặc biệt, khiến cho cơ thể nhạy cảm hơn với các tác nhân khởi phát như: Vi khuẩn, virus, chất dị ứng, sự thay đổi của môi trường,…

Một số nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến bệnh viêm khớp dạng thấp, đó là:

  • Giới tính: Nữ giới có khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới từ 70 – 80%.
  • Chấn thương: Chấn thương do va chạm, tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp, mang vác nặng,… có thể dẫn đến biến chứng viêm khớp dạng thấp.
  • Bệnh lý: Một số vi khuẩn, virus khi đi vào cơ thể có thể dẫn đến tình trạng viêm khớp dạng thấp.
  • Chế độ sinh hoạt không lành mạnh: Mang vác nặng nhọc, có tư thế đứng, ngồi hoặc ngủ sai. Những người bệnh thường xuyên sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, chất kích thích, thuốc lá, cà phê,… cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.
  • Cân nặng: Theo nhiều nghiên cứu, những người mắc bệnh thừa cân, béo phì rất dễ gặp tình trạng viêm khớp dạng thấp.Theo đó, những người có chỉ số khối lượng cơ thể  (BMI) từ 25 – 29,9 và người béo phì có  BMI từ 30 – 39,9 thì sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
  • Một số yếu tố khác: Stress, căng thẳng, sức đề kháng kém, mắc bệnh truyền nhiễm, di chứng hậu phẫu thuật,…

Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp phát triển dần theo thời gian. Tuy nhiên, chỉ khi bùng phát thành những dấu hiệu bên ngoài, người bệnh mới ý thức được về tình trạng bệnh. Những triệu chứng đặc trưng, thường thấy của bệnh như: sưng khớp, cứng khớp buổi sáng, đau khớp thường đối xứng hai bên. Dấu hiệu trên toàn cơ thể như: Xanh sao, mệt mỏi, chán ăn, chân tay hoạt động kém, có thể gặp tình trạng các cơ quan lân cận bị tổn thương.

Các triệu chứng viêm khớp điển hình

  • Sưng khớp: Các phần da xung quanh khớp bị sưng vù lên do tụ dịch nhiều.
  • Cứng khớp: Các khớp bị cứng, khó cử động, xuất hiện thường thấy vào buổi sáng và mất dần sau khoảng 1 giờ.
  • Nóng da: Vùng da xung quanh vị trí viêm khớp có thể bị nóng hơn so với những vùng da khác trên cơ thể.
  • Đau: Tình trạng viêm khớp khiến khớp, cơ, hệ thần kinh xung quanh khớp bị tổn thương, khiến khớp nhạy cảm hơn, dẫn đến tình trạng đau nhức.
  • Đỏ: Vùng da xung quanh khớp bị tổn thương thường ửng đỏ hơn so với những vùng da khác.

Triệu chứng xảy ra với toàn cơ thể

  • Chán ăn, sụt cân.
  • Khả năng vận động suy giảm.
  • Thường xuyên mệt mỏi, khó thở.
  • Đau nhức mỏi cơ toàn thân.

Triệu chứng xảy ra đối với những cơ quan khác

  • Bệnh viêm màng phổi: Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây ra tình trạng viêm màng phổi không triệu chứng. Nếu nhịp thở ngắn, người bệnh cần được điều trị sớm.
  • Xuất hiện nốt thấp: Nối thấp là những hạt, cục nổi cộm lên bề mặt da. Nốt thấp dính liền với nền xương phía dưới, không di động, không đau, đường kính trung bình từ 5 đến 20mm, những nốt ở khớp khuỷu tay có thể rất đau.
  • Khàn giọng: Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng lên vòm họng, thanh quản gây nên triệu chứng khàn giọng.
  • Triệu chứng ở mắt: Đau mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, khô mắt là các triệu chứng về mắt có thể gặp ở một số ít người bị viêm khớp dạng thấp.
  • Viêm ngoài màng tim: Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến ngoài màng tim gây ra những triệu chứng như đau ngực, thở ngắn. Ngoài ra, người bệnh có thể bị tắc nghẽn động mạch tim, nhồi máu tim, gây đau ngực,…

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Hiện nay có hai tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, đó là:

Tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) 1987

Đây là tiêu chuẩn được áp dụng chính ở nước ta cũng như trên thế giới. Đây là tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp cho kết quả khá chính xác.

Tiêu chuẩn này được áp dụng trong những trường hợp: Thời gian bị viêm khớp từ 6 tuần trở lên và có dấu hiệu ở trên nhiều khớp.

  • Độ nhạy của phương pháp này đạt: Từ 91 – 94%
  • Độ đặc hiệu đạt: 89%

Ở giai đoạn sớm, độ nhạy thấp hơn chỉ từ 40  – 90% và độ đặc hiệu cũng thấp hơn từ 50 – 90%

Các dấu hiệu viêm khớp dạng thấp được bác sĩ xem xét để đưa ra chẩn đoán gồm có:

  1. Người bệnh bị cứng khớp vào buổi sáng và thường kéo dài trên 60 phút
  2. Khớp bàn tay bị viêm sưng tối thiểu 1 nhóm trong các nhớm như khớp bàn ngón tay, khớp cổ tay hoặc khớp ngón gần…
  3. Bị viêm sưng, tràn dịch ít nhất 3 nhóm khớp đó là khớp cổ tay, khớp cổ chân, khớp khuỷu, khớp gối, khớp bàn ngón tay, khớp bàn ngón chân, khớp ngón gần bàn tay
  4. Xảy ra tình trạng viêm khớp đối xương
  5. Có hạt ở dưới da
  6. Xét nghiệm có yếu tố dạng thấp trong huyết thanh dương tính
  7. Quan sát hình ảnh X-quang chụp ở bàn tay, cổ tay hoặc khớp tổn thương có những biểu hiện tiêu biểu của căn bệnh viêm khớp dạng thấp như có hình hốc, hình khuyết đầu xương, hình bào mòn, hẹp khe khớp hoặc đầu xương bị mất chất khoáng

Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán bị viêm khớp dạng thấp khi có từ 4 tiêu chuẩn trên. Biểu hiện viêm khớp dạng thấp từ 1 – 4 cần phải có thời gian diễn ra từ 6 tuần trở lên và xác định qua thăm khám bác sĩ.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ kết hợp quan sát các dấu hiệu biểu hiện bên ngoài như bị viêm mống mắt, teo cơ, bị tràn dịch màng phổi… để đưa ra được kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

Tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ và Liên đoàn chống Thấp khớp Châu Âu 2010

Khác với tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ 1987, tiêu chuẩn này thường được dùng để áp dụng trong các trường hợp căn bệnh viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn nhẹ, những khớp viêm dưới 6 tuần và ở dạng ít khớp.

Bệnh nhân cần được theo dõi diễn biến bệnh để có kết quả đánh giá chính xác nhất. Bởi lẽ trong giai đoạn sớm, các triệu chứng bệnh cũng có thể bị nhầm lẫn với bệnh về khớp khác.

Viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không?

Bệnh viêm khớp dạng thấp không khởi phát đột ngột mà phát triển âm ỉ dần theo thời gian. Tuy nhiên, nếu người bệnh không được chữa trị sớm, bệnh có thể phát triển thành những biến chứng nguy hiểm khó lường.

Đối với tình trạng nhẹ, bệnh sẽ gây ra những cơn đau nhức khó chịu, khiến sức khỏe bị giảm sút, hạn chế khả năng vận động, giảm tuổi thọ. Đối với tình trạng bệnh nặng sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trên cơ thể, gây tổn thương đến hệ thần kinh ngoại biên, tổn thương tim. Thậm chí, người bệnh có thể gặp những cơn đau tim, bị teo cơ, bại liệt hoặc tàn phế suốt đời.

Một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi mắc bệnh viêm khớp dạng thấp:

  • Nhiễm trùng: Thuốc ức chế miễn dịch thường được dùng để điều trị viêm khớp. Do đó, nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng sẽ cao hơn.
  • Biến chứng về mắt: Biến chứng về mắt có thể xảy ra như: khô mắt, đỏ mắt,…
  • Vấn đề về dạ dày và hệ thống tiêu hóa: Việc sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và chống viêm không steroid trong điều trị có thể gây ra những tình trạng đau dạ dày, đau ruột, viêm dạ dày,…
  • Bệnh tim mạch: Người mắc bệnh viêm khớp sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cao hơn 50% so với những người bình thường. Các bệnh tim mạch cũng đẩy tỷ lệ mắc bệnh đau tim, đột quỵ cao hơn người bình thường.
  • Bệnh phổi: Bệnh phổi làm tăng nguy cơ xơ sẹo phổi, tăng áp lực lên phổi, các đường ống dẫn khí li ti bị tắc nghẽn, phần niêm mạc phổi cũng có nguy cơ bị viêm nhiễm.
  • Tổn thương thần kinh: Bệnh viêm khớp gây những tổn thương đến hệ thống thần kinh, gây ra triệu chứng mất thăng bằng, đau mỏi cổ, tê bì tay chân,…
  • Loãng xương: Bệnh viêm khớp sẽ làm giảm mật độ xương, việc ít vận động cũng tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
  • Viêm mạch máu: Viêm khớp khiến các mạch máu xung quanh bị chèn ép, tổn thương, tắc nghẽn dẫn đến tình trạng viêm mạch máu.
  • Ung thư: Sự thay đổi hệ thống miễn dịch của cơ thể gây ra tình trạng ung thư hạch hoặc tạo điều kiện để các bệnh ung thư khác có khả năng phát triển.

Viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không

Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không?

Do bệnh viêm khớp xuất phát từ hệ thống miễn dịch trong cơ thể tấn công, nên diễn biến của bệnh khá phức tạp. Các biện pháp điều trị chỉ hỗ trợ giảm các triệu chứng của bệnh, ngăn các biến chứng xảy ra chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên đi gặp bác sĩ sớm để kiểm tra, xác định mức độ tổn thương sớm nhất. Việc điều trị sớm sẽ ngăn được những tổn thương thêm, giảm tình trạng bệnh, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Điều trị viêm khớp dạng thấp

Các biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hiện nay đang được áp dụng gồm có:

Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc sẽ làm giảm các triệu chứng của bệnh nhanh chóng, hiệu quả. Tùy vào mức độ và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến, đó là:

  • Thuốc steroid: Tác dụng chính là giảm đau, giảm viêm, giảm tổn thương lên khớp. Tuy nhiên, sử dụng thuốc lâu ngày sẽ gây ra tình trạng tăng cân, tiểu đường và loãng xương.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Là loại thuốc giảm đau, giảm viêm, bao gồm: Ibuprofen (Advil, Motrin IB) và Naproxen natri. Thuốc có thể gây ra tác dụng phụ như: tổn thương thận, kích ứng dạ dày, tăng nguy cơ xuất huyết.
  • Thuốc sinh học: Đây là loại thuốc có tác dụng ức chế tế bào B hoặc T, dùng cho trường hợp cơ thể không thích ứng được với các dòng thuốc khác. Khi dùng thuốc này, bác sĩ sẽ kê thêm những loại thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, vitamin B12, vitamin D,… nhằm giảm nhẹ tác dụng phụ của thuốc.
  • Thuốc chống thấp khớp (DMARDs): Thuốc có tác dụng làm chậm sự phát triển của bệnh, tăng cường sức khỏe của khớp, làm giảm các tổn thương. Thuốc bao gồm: Methotrexate,Hydroxychloroquine,Leflunomide và Sulfasalazine. Thuốc có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan, nhiễm trùng phổi, ức chế tủy xương.

Vật lý trị liệu

Ngoài việc sử dụng thuốc, để hồi phục chức năng sụn, khớp, người bệnh cũng cần kết hợp với những phương pháp điều trị vật lý trị liệu. Một số phương pháp vật lý thường được sử dụng, đó là:

  • Nhiệt trị liệu: Phương pháp này điều trị bằng cách dùng nhiệt để thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, tăng hiệu quả chữa lành ở các ổ viêm, giảm đau, giảm sưng tấy hiệu quả.
  • Siêu âm: Phương pháp siêu âm giúp dẫn thuốc đến các ổ viêm, ngăn chặn tình trạng thoái hóa.
  • Tia hồng ngoại: Phương pháp này được thực hiện hàng ngày giúp giảm tình trạng viêm, phân tán chất trung gian viêm. Thực hiện chiếu hồng ngoại từ 300 – 400 cm2 trên vị trí khớp đau, chiếu 5 – 6 lần/ 1 đợt và 3 – 4 đợt/ 1 liệu trình.
  • Bấm huyệt: Thực hiện bấm huyệt giúp đả thông kinh mạch, phòng trừ đau nhức.
  • Tắm và ngâm mình: Phương pháp ngâm mình trong nước khoáng, nước ấm, bùn,… có thể khiến máu được lưu thông nhanh chóng, giảm tình trạng sưng, viêm khớp.

Điều trị viêm khớp dạng thấp

Phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật được chỉ định khi các ổ viêm khớp khiến vùng xương đó không thể cử động được hoặc các biện pháp điều trị khác không còn có tác dụng. Các phương pháp phẫu thuật viêm khớp dạng thấp phổ biến hiện nay:

  • Phẫu thuật nội soi: Phẫu thuật này được thực hiện bằng cách loại bỏ các lớp lót trên khớp đang bị viêm. Phương pháp này thường được áp dụng cho các ổ khớp ở khuỷu tay, đầu gối, cổ tay, khớp ngón, hông.
  • Phẫu thuật chỉnh trục: Phương pháp này thực hiện bằng cách nối cầu chì giúp kéo khớp lại vị trí thông thường. Phẫu thuật này giúp giảm tổn thương, giảm đau hơn so với phẫu thuật thay khớp.
  • Phẫu thuật chữa gân: Viêm khớp sẽ khiến các đường gân xung quanh khớp bị ảnh hưởng, tổn thương. Phẫu thuật nhằm sửa chữa các đường gần đang bị tổn thương.
  • Phẫu thuật thay thế khớp: Phương pháp này được áp dụng khi toàn bộ khớp đã bị tổn thương. Phần khớp có thể được thay thế bằng nhựa hoặc kim loại.

Trên đây là những thông tin chi tiết về căn bệnh viêm khớp dạng thấp. Đây là căn bệnh khó điều trị, dễ để lại các biến chứng. Chính vì vậy, người bệnh cần chủ động theo dõi tình trạng bệnh, đến các cơ sở y tế để kiểm tra nếu thấy những dấu hiệu khác thường ở các vị trí khớp trên cơ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *