Bệnh nhược cơ ăn gì tốt? Có nguy hiểm không?

Nhược cơ là một bệnh lý tự miễn liên quan đến rối loạn dẫn truyền thần kinh, gây suy giảm chức năng hoạt động của cơ. Đây là một chứng bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh, song lại tương đối hiếm gặp. Vì vậy, không phải ai cũng có đủ hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin cơ bản về nguyên nhân, bản chất của bệnh và một số cách điều trị phổ biến hiện nay.

Bệnh nhược cơ là gì?

Bệnh nhược cơ có tên gọi khoa học là Myasthenia gravis. Sở dĩ, người ta coi đây là căn bệnh tự miễn bởi nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ sự “miễn dịch ngược” của cơ thể. Khi mắc chứng nhược cơ, cơ thể người bệnh tự sản sinh ra một loại kháng thể chống lại Ach-một chất dẫn truyền thần kinh giúp đảm bảo hoạt động của cơ. Do đó, các Ach này sẽ giảm cả về số lượng và chất lượng, khiến các đường dẫn truyền thần xung thần kinh yếu hoặc mất đi. Từ đó, sinh ra các chứng nhược cơ, yếu cơ, thậm chí liệt cơ.

Như vậy, nhược cơ là một chứng bệnh mãn tính, cần chữa trị liên tục trong thời gian dài, thậm chí là kéo dài trong cả cuộc đời. Mặc dù cho đến nay, các nghiên cứu về chứng nhược cơ chưa được làm sáng tỏ, song qua số liệu thống kê, người ta đã tìm thấy sự liên quan giữa chứng bệnh này với các bệnh lý khác.

  • Cụ thể, có đến khoảng 75% người bị nhược cơ sẽ mắc đồng thời các bệnh về tuyến ức. Trong đó, tỉ lệ bệnh u tuyến ức chiếm đến 15%.
  • Ngoài ra, khoảng 10% trường hợp bị nhược cơ cũng mắc thêm các bệnh lý tự miễn như viêm loét đại tràng, viêm đa cơ, viêm khớp dạng thấp,…

Theo các số liệu thống kê, cứ khoảng 200.000 người thì sẽ có một người bị mắc chứng nhược cơ. Vì vậy, có thể nói, đây là một bệnh lý tương đối hiếm gặp. Tuy nhiên, chúng lại có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào. Đặc biệt, tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới thường cao hơn so với phái còn lại đến 2 lần. Trong đó, những phụ nữ trong độ tuổi dưới 40 hoặc trên 70 tuổi; nam giới từ 50 tuổi trở lên thường là những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh.

Bệnh nhược cơ

Bệnh nhược cơ có nguy hiểm không?

Khi mắc chứng nhược cơ, người bệnh sẽ có một số biểu hiện khác nhau, tùy theo từng giai đoạn và mức độ của bệnh. Ở giai đoạn đầu, hiện tượng nhược cơ chỉ xuất hiện ở một nhóm cơ nhất định, thường là khu vực các cơ quanh mắt. Song, các triệu chứng này đều có thể nhanh chóng được cải thiện nếu được điều trị đúng cách.

Tuy nhiên, ở giai đoạn tiếp theo, các hiện tượng này sẽ xuất hiện ở tất cả các nhóm cơ còn lại, thậm chí còn xảy ra với cả các nhóm cơ vùng hầu họng. Vì vậy, người bệnh thường cảm thấy rất mệt mỏi, mất sức lực, có lúc còn không thể nhấc được cánh tay lên. Đồng thời, các cơ vùng mặt và đầu cổ cũng yếu đi rất nhiều, dẫn đến hàng loạt hiện tượng như cơ thể suy nhược, sụp mi, thị lực giảm, nhai nuốt khó, giọng nói thay đổi,… Người bệnh trông rất buồn rầu, đầu rũ xuống mệt mỏi.

Đặc biệt, ở giai đoạn nặng nề nhất, các cơ vùng hô hấp như cơ hoành, cơ sườn, cơ thang, cơ ức đòn chũm,… sẽ bị rối loạn và suy yếu, thậm chí bị liệt. Do đó, cơ thể dễ dàng gặp phải các triệu chứng nguy hiểm như khó thở, suy hô hấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ tử vong nhanh chóng sau đó.

Bệnh nhược cơ có chữa khỏi không?

Đầu tiên, cần khẳng định rằng, bệnh nhược cơ không thể chữa khỏi hoàn toàn tận gốc, vì đây là một bệnh lý tự miễn. Tuy nhiên, nếu người bệnh được chữa trị theo đúng phương pháp thì các triệu chứng sẽ được cải thiện đáng kể. Đồng thời, quá trình diễn tiến của bệnh cũng sẽ được ngăn cản và làm chậm lại. Người bệnh nếu dùng thuốc đều đặn và tuân thủ đúng các phương pháp chữa trị thì vẫn có thể sống khỏe mạnh. Tuổi thọ của họ cũng chênh lệch không đáng kể khi so sánh với những người bình thường khác.

Các phương pháp sử dụng trong điều trị nhược cơ hiện nay gồm: Bổ sung Acetylcholinesterase, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, phẫu thuật loại bỏ tuyến ức, lọc huyết tương và truyền immunoglobulin trong ngắn hạn. Các liệu trình điều trị thường cho hiệu quả sau khoảng 2-4 tuần thực hiện. Mỗi đợt điều trị cách nhau từ 6-12 tháng. Riêng với phương pháp phẫu thuật loại bỏ tuyến ức thì cho hiệu quả lâu dài hơn, từ 1-1,5 năm. Tuy nhiên, điều trị hậu phẫu cũng là một vấn đề cần cân nhắc.

Bệnh nhược cơ có chữa khỏi không

Bệnh nhược cơ nên ăn gì?

Nhược cơ là một bệnh lý mãn tính có thể kéo dài suốt cuộc đời người bệnh. Vì vậy, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh, hợp lý sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của bệnh. Với những người bị nhược cơ, việc nhai nuốt có thể sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Các thực phẩm sử dụng trong bữa ăn hàng ngày nên được nấu mềm, xay nhỏ và là các loại thức ăn dễ tiêu hóa. Bên cạnh đó, các yếu tố dinh dưỡng trong thức ăn cũng cần được lưu ý, coi trọng.

  • Cụ thể, người bị nhược cơ nên sử dụng đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính, bao gồm carbohydrate, protein, lipid, vitamin và khoáng chất.
  • Đặc biệt, cần bổ sung các thực phẩm giàu kali như chuối, đu đủ vì đây là dưỡng chất cần thiết giúp duy trì hoạt động bình thường của cơ.
  • Canxi cũng là khoáng chất rất cần thiết cho người bị bệnh, bởi đây là thành phần chính giúp kích hoạt các dẫn truyền thần kinh.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn nguồn thức ăn ra sao để vừa bổ sung dinh dưỡng, vừa bảo đảm an toàn cho sức khỏe cũng là điều rất quan trọng.

  • Các loại thực phẩm sử dụng hàng ngày phải là thực phẩm sạch, giúp hạn chế tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Bởi lẽ, nếu tình trạng này diễn ra, chứng nhược cơ sẽ trở nên thêm trầm trọng.
  • Người bệnh nên sử dụng các loại đạm thực vật thay thế đạm động vật, vì chúng dễ tiêu hóa hơn.
  • Với canxi, có thể bổ sung từ các nguồn khác nhau ngoài sữa, bởi sữa cũng là thực phẩm rất khó tiêu. Bạn cũng nên ăn nhiều rau xanh, bổ sung đủ nước hàng ngày thông qua các loại nước ép, sinh tố,…
  • Tuy nhiên, tuyệt đối không phải là rượu bia, nước ngọt có gas hay chất kích thích như trà, cà phê.
  • Còn với các chất béo, có thể bổ sung thông qua các loại thức ăn lành mạnh như dầu oliu, các loại hạt, quả bơ, các loại cá biển giàu omega-3 tốt cho cơ thể,…

Ngoài ra, thói quen ăn uống của người bị nhược cơ cũng cần thay đổi. Bạn nên ăn chậm, ăn từng miếng nhỏ và chia thành nhiều bữa trong ngày, thay vì ăn nhiều vào 3 bữa chính. Khi ăn, người bệnh nên ngồi thẳng người trên ghế, giữ tâm trạng vui vẻ và hạn chế nói chuyện để quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi.

Bệnh nhược cơ nên ăn gì

Bệnh nhược cơ có di truyền không?

Hiện nay, chưa có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh được sự di truyền của bệnh nhược cơ. Tất nhiên, bệnh cũng không thể truyền từ người bệnh sang người lành thông qua đường máu hay tiếp xúc thông thường. Tuy nhiên, qua các số liệu thống kê, người ta nhận thấy những người có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý tuyến ức hay nhược cơ thường có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn. Nói cách khác, chúng ta có thể giả thiết rằng, chứng nhược cơ được hình thành từ sự tác động qua lại của cả gen gây bệnh và yếu tố môi trường.

Bệnh nhược cơ sống được bao lâu?

Người bệnh nhược cơ sống được bao lâu phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Thời điểm phát hiện được bệnh là bao giờ, có nghĩa bệnh đang ở giai đoạn nặng hay nhé
  • Người bệnh có tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ hay không
  • Những yếu tố khác liên quan đến người bệnh

Thực tế thì người bệnh nhược cơ có thể sống được hàng chục năm sau khi phát hiện bệnh nhưng cần phải có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, lao động, tập luyện,sinh hoạt khoa học, điều độ, đặc biệt người bệnh cần phải được điều trị ngay sau khi phát hiện bệnh.

Lời khuyên cho bệnh nhân nhược cơ

Để kéo dài thời gian sống, người bệnh nên chú ý những điều sau:

  • Cần phải đến bệnh viện, cơ sở y tế chuyên khoa uy tín thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp điều trị đúng
  • Cần xây dựng được chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày khoa học, đảm bảo sức khỏe tốt nhất
  • Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị
  • Hạn chế stress, áp lực, căng thẳng
  • Trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, đặc biệt thuốc ảnh hưởng đến hệ thần kinh và cơ thì cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ
  • Thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh mệt mỏi, làm việc quá sức
  • Tránh bị nhiễm trùng như nhiễm lạnh, bị vết thương hở…

Trên đây là một số thông tin cơ bản về nguyên nhân, bản chất, triệu chứng cũng như các phương pháp phòng chống, điều trị bệnh nhược cơ. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những kiến thức hữu ích để chăm sóc sức khỏe cho chính mình và những người xung quanh. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *